Lộ diện thị trường tiêu dùng “màu mỡ” nhất thế giới


Với tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần Trung Quốc hiện nay, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Nhân khẩu học Ấn Độ đáp ứng điều kiện bùng nổ tiêu dùng (Ảnh: alamy)
Nhân khẩu học Ấn Độ đáp ứng điều kiện bùng nổ tiêu dùng (Ảnh: alamy)

Khu vực châu Á tiếp tục dẫn đầu danh sách các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới đến năm 2030, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất là Ấn Độ.

Quốc gia Nam Á hiện xếp sau Trung Quốc với quy mô 773 triệu người so với 1,1 tỷ người. Nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường Ấn Độ dự báo gấp 3 lần Trung Quốc - sớm trở thành trung tâm tiêu dùng lớn nhất toàn cầu.

Sự bùng nổ sản xuất dẫn đến làn sóng niêm yết chưa từng có, Ấn Độ đã có 238 đợt niêm yết vào năm 2023 và 264 đợt IPO trong năm nay. Cái tên gây chú ý vì IPO là Hyundai Motor India, công ty này đặt mục tiêu huy động 3 tỷ đô la Mỹ. Con số này sẽ vượt qua mức niêm yết của Life Insurance Corporations thuộc sở hữu Nhà nước là 2,7 tỷ đô la Mỹ.

Atul Singh, CEO công ty quản lý tài sản LGT Wealth India cho rằng: Đoạn đầu của câu chuyện tiêu dùng là dành cho các mặt hàng đắt tiền như ô tô, nhưng đà tăng trưởng đang dần chuyển sang các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng. Vì vậy, rất nhiều lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng đang tăng tốc.

Trong mảng đồ uống và thực phẩm, Swiggy được hậu thuẫn bởi Softbank và Zomato nằm trong số các thương hiệu tiêu dùng niêm yết nhằm mục đích huy động vốn mở rộng sản xuất.

Ngành trang sức đang lớn lên nhanh chóng theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Các thương hiệu lớn nhất Ấn Độ Senco Gold và Motisons Jewellers đã tăng giá cổ phiếu lần lượt 108% và 211% kể từ đầu năm nay.

Ngoài các lĩnh vực tập trung vào tiêu dùng cơ bản, các nhà phân tích nhận thấy nhiều công ty tài chính trong lĩnh vực phi ngân hàng cũng quan tâm đến việc niêm yết cổ phiếu nhằm mục đích huy động vốn cho giai đoạn bùng nổ nhu cầu.

Thị trường tiêu dùng không chỉ được xem xét bởi quy mô dân số, điều quan trọng hơn là triển vọng tăng trưởng dựa vào nhiều yếu tố nội sinh: cụ thể là giai đoạn phát triển của nền kinh tế; cơ cấu độ tuổi dân số, lao động, việc làm, thu nhập.

Ấn Độ có dư dả các điều kiện trên, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2006 đến 2023 là 6,21%, đứng đầu thế giới. Quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn của tất cả tập đoàn lớn, giúp lôi kéo hàng trăm triệu người từ nông thôn trở về đô thị; hoặc kết nối họ với guồng quay kinh tế mới, sản sinh ra nhu cầu tiêu dùng vô cùng lớn.

Chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình ở Ấn Độ đã tăng 7,1% vào năm 2021, trong khi ở ASEAN, con số này tăng 5,2% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,8%.

Dư địa tăng trưởng của Ấn Độ còn rất lớn, bởi vì đa phần dân số Ấn Độ sinh sống ở nông thôn hoặc cận đô thị, họ chưa thực sự được trải nghiệm với nhiều mặt hàng phục vụ cuộc sống thường nhật.

Thêm nữa, tốc độ kết nối internet ở Ấn Độ đang bùng nổ. Nếu như năm 2021 khoảng 289 triệu người mua sắm trực tuyến ở Ấn Độ thì đến năm 2027 dự báo sẽ tăng lên 400 - 550 triệu người. Chi tiêu thương mại điện tử ở quốc gia này dự báo tăng 6 lần, đạt tới 38 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn