Lo hàng không rõ nguồn gốc
(Tài chính) Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hơn 60% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả và cũng không loại trừ phần lớn là hàng Việt Nam bị nước ngoài làm giả. Dư luận đặt câu hỏi: công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ liệu mới giải quyết phần ngọn? Bao giờ cơ quan chức năng giải quyết được tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc?
Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) bắt giữ 10 tấn collagen và các loại thực phẩm chức năng giả tại một kho hàng ở chợ đầu mối Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen cùng hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được phù phép thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, hạn sử dụng đến 2017.
Điều đáng quan tâm là, đối tượng khai, hơn một năm qua đã nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó đóng hộp, dán nhãn mác giả đem tiêu thụ với giá vài trăm đến cả triệu đồng một sản phẩm, bán tại nhiều chợ và một số cửa hàng thuốc có tiếng. Đội quản lý thị trường số 14, Hà Nội mới đây đã bắt quả tang và tạm giữ tại cơ sở Công ty TNHH Romal Việt Nam hàng trăm sản phẩm bếp từ dán nhãn mác Made in Germany, Italy, Malaysia nhằm gian lận thương hiệu...
Lợi dụng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều kẻ xấu cũng đã làm giả và gắn nhãn Made in Vietnam lên nhiều sản phẩm hàng hóa, lực lượng chức năng rất khó bắt giữ vì những lô hàng này có đủ hóa đơn chứng từ và dễ lọt qua cửa khẩu.
Hay một chiêu khác là đối tượng đặt bao bì thương hiệu nổi tiếng như AJINOMOTO và mua mì chính bao 50kg của nước ngoài, chia thành gói nhỏ, đưa về thị trường nông thôn tiêu thụ. Người sử dụng hoàn toàn không biết đó là những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường, doanh nghiệp đã tự hại mình vì không đăng ký sở hữu trí tuệ và thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng trên sản phẩm. Nhưng mặt khác, để ngăn chặn kịp, mỗi chiến sĩ hải quan chống buôn lậu phải nâng cao trách nhiệm, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ cơ chế chính sách đến thực thi.
Cho đến nay đã có 80% người dân được hỏi quan tâm đến hàng Việt Nam và đến 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam. Nhưng cũng chính vì hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thương trường, là đích nhắm của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và với công nghệ sản xuất tinh vi đã và đang đẩy lượng lớn hàng giả, hàng nhái ra thị trường. Không ít đối tượng đã lợi dụng thương hiệu mạnh của Việt Nam để bắt tay sản xuất với doanh nghiệp nước ngoài làm hàng giả đưa vào Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh, phải có giải pháp phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Đầu tiên phải nắm chắc được tình hình, phương thức thủ đoạn, đối tượng và việc vận chuyển, để ngăn chặn ngay tại biên giới. Đặc biệt, nên có trinh sát từ xa để làm tốt được chỉ đạo của Chính phủ trong chống buôn lậu.
Vì không được kiểm soát chặt chẽ, nên hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc dễ dàng thâm nhập hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị. Và cũng không loại trừ có sự tiếp tay của nhân viên nhận và bán hàng. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đề nghị, các siêu thị phải tự hoàn thiện mình, xây dựng thương hiệu và là kênh thương mại văn minh.
Siêu thị phải làm tốt công tác quản trị nội bộ và kiểm soát từng con người, phân công trách nhiệm rõ ràng, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hàng lậu, hàng giả vào siêu thị. Mỗi siêu thị phải tự giác thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để hàng hóa vào siêu thị được quản lý chặt chẽ.
Để hàng Việt không bị mất uy tín bởi nạn hàng giả, cần có chính sách cụ thể, rõ ràng, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng sản xuất hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xây dựng đội ngũ chống lậu có trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ - là lực lượng chủ chốt trong thực thi nhiệm vụ gác cổng, bảo vệ thị trường.