Lời giải cho nghịch lý điều hành chính sách tiền tệ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc lại đánh giá về nghịch lý trong chính sách điều hành khi để lãi suất cao trong bối cảnh lạm phát thấp.
Ngày 16/10, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ.
Theo đó, Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quá chú trọng tới kiểm soát lạm phát là nguyên nhân khiến lãi suất cao. Việc chậm điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2022 và đầu năm nay là một trong những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá toàn diện, chỉ rõ mặt được, mặt cần lưu ý để NHNN điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Đồng thời, Thống đốc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc 2 đánh giá tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về các hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ.
Bà Hồng giải thích, những tháng cuối 2022, khi nhiều quốc gia có mặt bằng lãi suất cao, xét thấy năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội nên những tháng đầu năm NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành.
Tới tháng 10/2022, sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) xảy ra, nên NHNN tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới.
Theo Thống đốc NHNN, mọi biện pháp thời điểm đó là ưu tiên ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Các ngân hàng cũng căng thẳng tín dụng, một số ngân hàng bị thiếu dự trữ bắt buộc, nguy cơ mất khả năng chi trả hiện hữu. Do đó, NHNN chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vì các ngân hàng phải tập trung đáp ứng khả năng yêu cầu chi trả của người dân, với tác động tâm lý người dân rút tiền gửi từ ngân hàng nhỏ để chuyển sang các ngân hàng lớn.
"NHNN chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, phải tập trung thanh khoản hệ thống, đáp ứng yêu cầu chi trả cho người dân. Tới tháng 11/2022, thanh khoản cải thiện dần, và đầu tháng 12/2022, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng", bà Hồng nhấn mạnh.
Vào thời điểm đó, để ổn định tỷ giá, NHNN chỉ có thể dùng biện pháp như can thiệp ngoại tệ, điều chỉnh tăng lãi suất và hạn chế thanh khoản.
“NHNN đã phải thực hiện cả 3 biện pháp này, tức là vừa can thiệp, vừa tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 10/2022; đồng thời, chưa điều chỉnh tín dụng. Việc này đã giúp ổn định tỷ giá trở lại, cả năm 2022 tăng trên 3%", bà Hồng cho biết.
Tương tự, Thống đốc NHNN cũng cho rằng, nhận xét "lạm phát thấp và lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện bất cập trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ" nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế mới đánh giá ở khía cạnh lãi suất và lạm phát, chứ "chưa bao quát tình hình".
Bởi việc điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát, và cần nhìn về xu hướng dài hạn. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dựa vào chỉ báo lạm phát để quyết định điều chỉnh tăng lãi suất hay không.
Lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 7, còn lạm phát cơ bản trong 9 tháng đầu năm tăng 4,49%, theo dữ liệu của cơ quan thống kê. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin, đây là chỉ dấu cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.
Cũng theo Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Ủy ban Kinh tế đánh giá, tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Năm 2023, dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 mới tăng 5,9%, bằng một nửa cùng kỳ 2022 (10,83%).
Báo cáo của NNHN cho thấy, tín dụng tăng gần 7% tới hết tháng 9, bằng khoảng một nửa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm (14-15%). Tuy vậy, bà Hồng kỳ vọng với nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tín dụng tăng vào cuối năm.