Ngân hàng Thế giới:
Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, nhằm tránh tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc cho thấy nhu cầu yếu. Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ tháng 3/2023.
Lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm theo các điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN. Bất chấp những đợt cắt giảm lãi suất này, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4/2023 xuống 9,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Hình 1: Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy nhu cầu tín dụng cùa nền kinh tế đang yếu
Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng yếu do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản và chứng khoán. Tăng trưởng yếu hơn trong gia nhập kinh doanh ròng (-9,5% so với cùng kỳ) cũng như vốn bình quân trên mỗi công ty mới thành lập thấp hơn (-8,6% so với cùng kỳ) cũng có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tín dụng yếu đi.
Theo WB, nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp, và sản xuất công nghiệp chậm lại. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) vẫn khá vững và có thể so sánh với mức tăng trước đại dịch, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa. Bên cạnh đó, miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, NHNN đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, WB cho rằng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.
Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.
Theo WB, trong khi hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo chậm lại và việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, điều quan trọng là phải nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.