“Lợi ích nhóm” trong quy hoạch?

Theo daibieunhandan.vn

Quy hoạch và quản lý xây dựng ở các đô thị lớn đang là câu chuyện nóng. Ai hay nước tràn vào nhà, đường phố Hà Nội như sông chỉ sau một trận mưa? Ai thấu, mỗi khi triều lên là nhiều khu ở TP. Hồ Chí Minh, dân lội bì bõm trong ô nhiễm. Tình trạng xây nhà không phép, vượt phép, các khu đô thị thiếu không gian cho cây xanh, trường học, nhà trẻ, chung cư không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy... xuất hiện khắp nơi đang vẽ lên phần nào bộ mặt thực của công tác quy hoạch của quản lý đô thị hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gốc rễ của những yếu kém ấy từ đâu? Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra những non kém trong quy hoạch xây dựng, công tác thanh tra, giám sát còn bị buông lỏng... Khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn: Bao giờ ngành xây dựng khắc phục được vấn nạn này, người đứng đầu ngành trải lòng rằng: Không dám hứa, không dám cam kết!

Người dân có thể hiểu rằng, câu trả lời ấy đồng nghĩa với việc quá tải hạ tầng, sự nhếch nhác ở các khu dân cư, đô thị sẽ mãi là câu “chuyện dài, nhiều tập”. Ngay như những sai phạm trong hàng loạt dự án  của Tập đoàn Mường Thanh mà “tư lệnh” ngành xây dựng nói đã xử lý, nhưng muốn rốt ráo và sâu hơn thì vẫn phải chờ Hà Nội và các tỉnh thành nơi Mường Thanh có dự án.

Mặc dù Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhận trách nhiệm để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh là do thanh tra, kiểm tra bị buông lỏng, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Có ô dù nào che chắn cho những sai phạm của tập đoàn này? Có “lợi ích nhóm” trong phê duyệt dự án, điều chỉnh quy hoạch?

Bài học đắng chát khi trao dự án xây dựng các khu đô thị, chung cư cao tầng cho các nhà đầu tư, các “đại gia” không tuân thủ Luật Xây dựng. Không thể để tình trạng người mua căn hộ phải chạy tới, chạy lui, lo giấy tờ sở hữu căn nhà của chính mình.

Càng không thể chấp nhận những chủ đầu tư chỉ nhăm nhắm thu lợi, mải chiếm đất, tăng mật độ xây dựng mà quên đi các công trình công cộng, dân sinh đi kèm. Nếu không chỉ đạo giám sát quyết liệt, buộc các nhà đầu tư phải dành đủ quỹ đất xây trường học, nhà trẻ... chắc chắn nhiều chung cư, cao ốc sẽ lại phát sinh tình trạng quá tải, nhếch nhác.

Quy hoạch xây dựng căn cơ phải đi trước. Hơn thế, việc thực hiện các công trình phải nhất nhất tuân thủ quy hoạch đã vạch ra một cách nghiêm túc. Né nể, ngại va chạm sẽ làm gia tăng nguy cơ quy hoạch bị bóp méo. Buông lỏng quản lý chính là tạo cơ hội để “lợi ích nhóm” chi phối, thao túng quy hoạch.

Tư duy nhiệm kỳ, thiếu tầm nhìn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho kiểu quy hoạch nay “nắn”, mai “vuốt”… Tất cả những thứ đó là gốc rễ gây nên tình trạng sai phạm xây dựng nở rộ ở nhiều công trình, tuyến phố, khu dân cư.

Người dân ở các thành phố lớn khát khao được sống trong những đô thị đáng sống! Nhưng gia tăng dân số cơ học, đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm tiếp nhận thêm 130 nghìn người từ khắp nơi trên cả nước, khiến hạ tầng các đô thị như ngày càng “chìm” xuống dưới áp lực dân cư. Để phần nào hiện thực hóa mơ ước của người dân, chỉ có nhờ vào những quy hoạch và quản lý đô thị bài bản và có tầm nhìn.

Không thể quy hoạch kiểu “nén” những cao ốc, chung cư 40 - 50 tầng ở các quận trung tâm của các thành phố lớn. Dứt khoát không thể cứ buông lỏng quy hoạch và quản lý đô thị rồi đổ cho non tầm, yếu kém nhưng không thấy chỉ ra trách nhiệm người đứng đầu. Đất nước có kỷ cương nhưng muốn đi lên phải tập trung xây dựng, triển khai, giám sát quy hoạch từ vi mô đến vĩ mô chứ không phải tạo cơ hội để những “nhóm lợi ích” chen chân trục lợi.