Lợi ích từ rút ngắn quy trình quyết toán ngân sách nhà nước
Ngày 20/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tại Báo cáo số 574/BC-CP (Báo cáo đầy đủ) và Báo cáo số 575/BC-CP (báo cáo tóm tắt) trình Quốc hội về Báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Rút ngắn quy trình
Theo Kho bạc Nhà nước, Luật NSNN số 83/2015/QH13 quy định Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian thực hiện nhiệm vụ quyết toán NSNN hằng năm theo quy định hiện nay là quá dài, nên chưa kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình thực hiện công tác thu, chi NSNN năm trước, từ đó làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN, chưa đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu Quốc hội nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Do đó, tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 và Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Quốc hội đã giao Chính phủ: “Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của nhà nước”.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất và lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã tổng hợp và trình Chính phủ. Ngày 20/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tại Báo cáo số 574/BC-CP (Báo cáo đầy đủ) và Báo cáo số 575/BC-CP (báo cáo tóm tắt) trình Quốc hội về Báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Báo cáo quyết toán NSNN hằng năm được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp cuối năm sau, tức là giảm 7 tháng so với quy định tại Luật NSNN năm 2015.
Theo Kho bạc Nhà nước, mục tiêu, định hướng của việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN là nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Với việc rút ngắn thời gian quyết toán NSNN ở từng khâu, phấn đấu thời gian trình quyết toán NSNN khớp với thời gian trình dự toán NSNN năm sau; trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo.
Việc này cũng sẽ góp phần nâng cao tính tự chịu trách nhiệm đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN trong sử dụng và quyết toán NSNN; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quy trình quyết toán NSNN (đơn vị dự toán các cấp, cơ quan tài chính các cấp, Kiểm toán nhà nước...); điều chỉnh nhiệm vụ của các khâu trung gian trong quy trình quyết toán, tránh chồng chéo về trách nhiệm của các cơ quan. Đặc biệt là sẽ giúp tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.
Cần hệ thống giải pháp đồng bộ
Xuất phát từ thực tiễn triển khai công tác quyết toán NSNN trong những năm qua, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Quộc hội về rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán NSNN hằng năm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện cơ chế chính sách đến việc tổ chức triển khai thực hiện.
Giải pháp đầu tiên được đưa ra để rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán NSNN đó là sửa đổi, bổ sung quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.
Hiện nay, các bước của quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo quyết toán NSNN đang được quy định cụ thể tại Luật NSNN 2015. Vì vậy, để thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN như: quy định để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; quy định trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên với nội dung xét duyệt quyết toán NSNN như đã nêu trên; quy định về trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong việc quyết toán NSNN.
Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác tổng hợp, lập và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, tức là Hội đồng Nhân dân cấp trên không phê chuẩn lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được Hội đồng Nhân dân cấp dưới phê chuẩn.
Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát để sửa đổi đồng bộ các quy định từ khâu lập dự toán, chấp hành dự toán đến khâu quyết toán NSNN để đảm bảo các mốc thời gian tại quy trình lập, tổng hợp, trình quyết toán NSNN đã đề xuất. Hoàn thiện hệ thống mẫu biểu quyết toán NSNN theo hướng đồng bộ, tinh gọn, thống nhất và có hướng dẫn cụ thể các chỉ tiêu trong mẫu biểu quyết toán NSNN.
Bên cạnh đó, giải pháp thứ hai được đưa ra để rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán NSNN đó là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công tác quyết toán NSNN của các Luật khác.
Cụ thể, sửa đổi Điều 48, Luật Kiểm toán Nhà nước quy định về thời gian Kiểm toán Nhà nước gửi Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất ngày 20/9 năm sau; Sửa đổi Luật Đầu tư công đối với quy định thời gian cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài giải ngân kế hoạch vốn sang năm sau để phù hợp với thời gian thực hiện dự án và quyết toán NSNN; Sửa đổi quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật NSNN về thời hạn kiểm tra quyết toán năm của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN. Theo đó, các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành... phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN, đảm bảo tất cả các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thanh tra, kiểm toán đầy đủ về công tác quyết toán ngân sách.
Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quyết toán NSNN. Cụ thể, Chính phủ sẽ nghiên cứu để có phương án triển khai thống nhất từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc xây dựng phần mềm kế toán, đảm bảo thống nhất các nguyên tắc kế toán và hệ thống mẫu biểu để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan, tạo thuận lợi trong công tác tổng hợp quyết toán NSNN.