Lối nào nâng cao năng suất, chất lượng ngành bao bì giấy?

Hạ Băng

Công nghiệp sản xuất bao bì giấy là ngành có tiềm năng phát triển lớn. Để ngày càng gia tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành cần hết sức chú trọng tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Kiểm soát, cải tiến chất lượng nguyên liệu giấy đầu vào là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp ngành bao bì giấy nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kiểm soát, cải tiến chất lượng nguyên liệu giấy đầu vào là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp ngành bao bì giấy nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng đã chỉ ra 7 giải pháp chính giúp doanh nghiệp ngành Bao bì giấy từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cải tiến nguồn nguyên liệu

Doanh nghiệp phải kiểm soát và cải tiến chất lượng nguyên liệu giấy đầu vào hiệu quả. Cụ thể, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các yếu tố như: chất liệu giấy, độ trắng của giấy, độ phẳng và mịn, định lượng giấy, kết cấu giấy, độ dày lớp giấy.

Doanh nghiệp có thể sử dụng máy móc đo đạc chuyên dụng để kiểm tra từng tiêu chí cho nguồn nguyên liệu đầu vào. Phải đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu đóng gói của từng khách hàng và ngành nghề kinh doanh khác nhau. 

Cạnh đó, doanh nghiệp có thể xây dựng nguồn nhân lực kiểm soát chất lượng đầu vào và nhân lực tìm kiếm các nhà cung cấp mới, tạo sự đa dạng trong việc lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu.

Trang bị hệ thống máy móc và trang thiết bị sản xuất hiện đại

Đầu tư, cải tiến trang thiết bị máy móc hiện đại cho dây chuyền sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất ngành Bao bì cũng như chất lượng sản phẩm.

Thêm vào đó còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu số lượng công nhân tham gia sản xuất, chi phí sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Quá trình cải tiến trang thiết bị giúp doanh nghiệp sắp xếp lại dây chuyền sản xuất theo hướng khoa học hơn, đảm bảo kiểm soát đầy đủ từng khâu trong quá trình sản xuất thành phẩm.

Những dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn sẽ mang lại sản phẩm chất lượng hơn nhờ: Giảm sai sót trong khâu lựa chọn nguyên liệu; giảm sai lệch về quy cách theo yêu cầu của khách hàng; giảm tỷ lệ in sai, in lem màu; giảm các thất thoát phát sinh với sản phẩm chưa đạt; giảm tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất.

Nâng cao trình độ nhân lực

Doanh nghiệp sản xuất bao bì phải chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo tay nghề và trình độ chuyên môn kiến thức chuyên ngành, cách thức sắp xếp công việc phù hợp để nhân viên phát huy hết khả năng của bản thân, nâng cao nhận thức của nhân viên về các chế độ chính sách của công ty… cho nguồn lao động.

Từ đó giúp việc áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất được hiệu quả nhất, cũng như tỷ lệ sản phẩm bị lỗi được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, phải tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động như các nhóm lao động, nhóm chất lượng.

Cải tiến công nghệ in ấn

Doanh nghiệp cần ưu tiên ứng dụng công nghệ in phổ biến nhất, ví dụ như in offset và in flexo. Việc này giúp các sản phẩm bao bì giấy có hình ảnh sắc nét, chất lượng và giá trị thẩm mỹ, quảng cáo tăng cao.

Thường xuyên cải tiến mẫu mã thiết kế

Doanh nghiệp ngành Bao bì cần nắm bắt xu hướng và yêu cầu cụ thể của khách hàng khi thiết kế sản phẩm như: mẫu mã, kích thước, độ dày, định lượng, kết cấu giấy. Trong đó, mẫu mã thiết kế ưu tiên có độ bền chắc cao, có khả năng chống va đập tốt thiết kế vừa vặn.

Cải tiến bao bì hướng đến sự thân thiện với môi trường

Xu hướng toàn cầu là bảo vệ môi trường, do đó ngành Bao bì cũng nên bắt kịp xu hướng lựa chọn giải pháp bao bì “xanh”.

Theo đó, doanh nghiệp có thể thay thế các giải pháp bao bì khó phân hủy (nhựa, nylon…) để mang lại sự thân thiện cho môi trường. Việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường sẽ giúp giảm rác thải bao bì, tăng khả năng tái sử dụng của sản phẩm.

Đầu tư hệ thống phần mềm quản lý sản xuất

Cùng với AI, Big Data trên nền tảng IoT, phần mềm quản lý ERP ngày càng được ứng dụng phổ biến bởi tính hiệu quả, chính xác tối ưu.

Ngoài ra, phần mềm ERP còn có khả năng kết nối dữ liệu của nhiều đơn vị, phòng ban khác nhau trên cùng một hệ thống, tự động hóa một số tác vụ nhất định giúp tăng năng suất của người dùng.

Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí, gia tăng tính năng động và đảm bảo sự phản ứng kịp thời trước những thay đổi về cơ cấu, quy mô hay những tác động bên ngoài từ thị trường.