Lợi nhuận ngân hàng đến giai đoạn bắt nhịp lực đẩy
Thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục báo lãi tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ 2017, dù năm qua đã tạo kết quả khởi sắc. Những so sánh cơ bản cho thấy sự bắt nhịp từ các lực đẩy đang được rút ngắn.
Trước giai đoạn này, 2011 là năm đánh dấu cao điểm lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam. Sau đó là sự thoái trào, nợ xấu nổi lên và trở thành gánh nặng lớn níu kéo lợi nhuận, thậm chí đè bẹp nhiều thành viên.
Nay, tham khảo số liệu thống kê trên Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước, có thể "giật mình" với tỷ lệ nợ xấu cập nhật gần nhất đến cuối quý 4/2017 chỉ ở mức 1,99%.
Tỷ lệ này được ngầm hiểu tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, chưa bao gồm nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Dù vậy, tỷ lệ rất thấp trong hàng chục năm qua đó cũng phản ánh một thực tế nợ xấu của hệ thống đã có kết quả xử lý, đã giảm bớt gánh nặng lên các thành viên nói chung. Và theo đó, lợi nhuận của họ đi lên nhẹ nhàng hơn.
Đúng hơn, tốc độ tăng lãi của các nhà băng từ 2017 và nửa đầu 2018 thể hiện hướng bắt nhịp trong những so sánh thúc đẩy, sau những năm chùng xuống tái cơ cấu và nặng gánh nợ xấu.
Trước hết, tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao đã trở lại. Điều này không vĩ mô với các ngân hàng thương mại, mà tạo động lực rất cụ thể vào lợi nhuận của họ.
Ví như, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sau ấn tượng vượt các mốc 200 tỷ USD, 300 tỷ USD đến 2017 đã vượt 400 tỷ USD…, doanh số dịch vụ thanh toán quốc tế, bảo lãnh, quản lý dòng tiền, thu xếp ngoại tệ… của các nhà băng đương nhiên mở rộng tương ứng.
Gắn trực tiếp hơn cả, nền kinh tế đó có truyền thống sử dụng đòn bẩy tín dụng cao. Nếu lấy năm 2011 (năm các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trước khi suy giảm kéo dài sau đó), quy mô tổng dư nợ toàn hệ thống mới chỉ 2,83 triệu tỷ đồng, thì đến nay đã vào khoảng 6,7 triệu tỷ đồng.
Chỉ riêng quy mô tín dụng đã tăng hơn gấp đôi trong so sánh trên cũng đủ thấy lực đẩy đối với lợi nhuận các ngân hàng thương mại lớn như thế nào, dù hiệu quả được đánh giá ở các chỉ số khác.
Song song, hoạt động dịch vụ cũng tạo lực đẩy rất lớn cho lợi nhuận ngân hàng, trong một nền kinh tế ngày một hiện đại hơn, một thị trường ngày càng mở rộng hơn.
Thử lấy một ví dụ. Năm 2005, trước thềm đoạn hoàng kim 2006 - 2007, doanh số sử dụng thẻ các loại toàn thị trường Việt Nam chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng. Đến nay, quy mô này đã phải dùng đến đơn vị hàng triệu tỷ đồng để đo lường (điều này cũng lý giải vì sao một số ngân hàng chiếm thị phần lớn "nhăm nhe" tăng phí thời gian qua).
Hay ở ngạch thu dịch vụ bảo hiểm. Tốc độ tăng trưởng luôn duy trì mức hai con số của doanh số bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam những năm qua tạo lực cộng sinh lớn cho nhiều ngân hàng thương mại. Những khoản hợp đồng hàng nghìn tỷ mỗi năm đã xuất hiện nhiều hơn từ 2017.
Trong quy mô bội lên từ nền kinh tế như vậy, hoạt động ngân hàng cũng đã linh hoạt hơn, tạo những dịch chuyển để khai thác tốt hơn các lực đẩy.
Ngân hàng bán lẻ đã bùng nổ. Thay vì các lễ ký kết đình đám cấp vốn hàng nghìn tỷ cho một vài "ông lớn" nào đó như trước đây, báo cáo nhiều thành viên đã chú trọng so sánh mức độ sử dụng dịch vụ của mỗi khách hàng, thị phần bán lẻ đứng ở đâu, và tỷ trọng thu dịch vụ tăng lên được bao nhiêu.
Năm 2017 và nửa đầu 2018 cho thấy, những ngân hàng báo lãi ấn tượng nhất cũng chính những thành viên bán lẻ mạnh nhất, hoặc đang tạo dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận sang bán lẻ mạnh nhất.
Bắt nhịp các lực đẩy từ quy mô nền kinh tế, quy mô mở rộng thị trường, dịch chuyển và mở rộng nhanh dịch vụ, lợi nhuận các ngân hàng nói chung tăng trưởng mạnh hơn, và quan trọng hơn là tăng tính bền vững thay vì chủ yếu dựa vào tín dụng mà tiềm ẩn rủi ro nợ xấu như trước đây.
Nhưng, trong sự bắt nhịp này, yếu điểm đang ngày càng bộc lộ: quy mô vốn của hệ thống, đặc biệt ở các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, đang dần hụt hơi.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong khi tốc độ tăng tổng tài sản toàn hệ thống liên tục giữ nhịp mức độ hai con số những năm gần đây, thì tốc độ tăng vốn điều lệ tương ứng chỉ bằng khoảng một phần ba mà thôi.