Lợi nhuận ngân hàng quý III: Giảm tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn khả quan
Các chuyên gia dự báo lợi nhuận của các ngân hàng đa phần sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong quý III. Thực tế, một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa đang báo lợi nhuận 9 tháng đạt 75 - 92% kế hoạch năm.
Nhiều ngân hàng gần đạt kế hoạch lợi nhuận năm
Trong số những đơn vị báo lợi nhuận quý III và luỹ kế 9 tháng cho thấy hầu hết các ngân hàng đã đi được hơn 3/4 chặng đường lợi nhuận của năm 2021. Đơn cử như, Ngân hàng TMCP Quốc dân NCB (mã NVB) cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 205,6 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 31% lên 800 tỷ đồng, nâng tỷ trọng từ 1,51% cuối năm trước lên 1,94%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB) thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeaBank (mã SSB) mới đây cũng công bố kết quả 9 tháng, ghi nhận tổng tài sản gần 198.229 tỷ đồng, tương đương 99,7% kế hoạch năm, tăng gần 10% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) vừa công bố kết quả 9 tháng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh - HDBank (mã HDB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương 5.970 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1%.
Ngân hàng TMCP Tiên phong - TPBank (mã TPB) công bố kết quả 9 tháng, thực hiện 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 1.344 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ.
Trong tháng 10 này, các ngân hàng sẽ hoàn thiện báo kết quả kinh doanh quý III/2021, dù nhận định mức tăng trưởng không đột phá như giai đoạn năm 2019 - 2020, nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá sẽ có nhiều con số bất ngờ.
Ước tính lợi nhuận quý III của 9 ngân hàng giảm hơn 10% so với quý liền trước
FiinGroup cho biết, ước tính lợi nhuận quý III của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước và đây là quý thứ hai liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng 10,8%, nhưng tốc độ đã chậm lại trong 2 quý gần đây.
Khả năng, Vietcombank và VietinBank sẽ lội ngược dòng và có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt gần 1% và 5% so với quý trước, chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II.
Trong khi đó, lợi nhuận của VIB dự kiến giảm mạnh gần 40% so với quý trước do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ô tô và bancassurance) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Các nhà phân tích nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng cũng đã phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém tích cực, với mức giảm 14% kể từ đầu tháng 7 sau khi đã tăng gần 50% trong nửa đầu năm nay, đưa định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng về 2,08x từ mức đỉnh 2,65x đầu tháng 5.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá đắt so với lịch sử cũng như triển vọng lợi nhuận ngắn và trung hạn dưới áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro theo các quy định hiện hành, cũng như thực tế tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng của người vay.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây đã công bố lợi nhuận ước tính quý III của 30 doanh nghiệp, trong đó 8 ngân hàng thương mại.
Còn theo dự báo của SSI, Techcombank có thể là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong quý III, đạt 5.200 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (dự báo là 5.000 tỷ đồng). Ngoài ra, SSI cũng dự báo lợi nhuận của VPBank và MB sẽ vượt VietinBank.
Công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của Techcombank (TCB) có thể đạt 5.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 56,2% lên 16.700 tỷ đồng. Lãi suất huy động trên thị trường đã giảm xuống mức thấp kể từ quý III/2020 và vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đó.
Với Vietcombank (VCB ), SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý III tăng 0,3% lên 5.000 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng trưởng khoảng 11,5% và lượng tiền gửi cũng tăng 7,3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Kết quả quý III bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng hình thành nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài xã hội giãn cách ở miền Nam. Mặc dù các khoản cho vay cơ cấu lại có thể tăng lên nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức dưới 1%.
Tại MB (MBB), kỳ vọng ngân hàng mẹ sẽ đạt tăng trưởng tín dụng 12 - 13% so với đầu năm và 23% so với cùng kỳ vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, ngân hàng cung cấp các gói cho vay ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, khiến NII thiệt hại 550 tỷ đồng (khoảng 8% của lãi trước thuế 6 tháng đầu năm) trong quý III. Theo đó, lãi trước thuế dự kiến đạt từ 3.300 đến 3.400 tỷ đồng, tăng 10 - 12% so với cùng kỳ.
Tại VPBank (VPB ), nhóm phân tích kỳ vọng lãi trước thuế hợp nhất của ngân hàng ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và giảm 36% so với quý trước. Thu nhập theo quý giảm mạnh là do quý II ghi nhận lãi từ giao dịch trái phiếu Chính phủ, nếu loại trừ khoản mục này, tăng trưởng thu nhập theo quý sẽ là âm 12%.
Với VietinBank (CTG), SSI Research ước tính lãi trước thuế quý III/2021 của ngân hàng này tăng 3,3% lên 3.000 tỷ đồng, được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng 6,5% và huy động vốn tăng 7,5% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 33,6%, đạt 13.900 tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh tốt trong quý I.
Lợi nhuận của ACB được dự báo tăng trưởng 13 - 15% so với quý III/2020. Tín dụng tăng trưởng chậm lại, ở mức 7 - 8% so với đầu năm hoặc 12% so với quý III năm ngoái. Mặc dù NIM dự kiến giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ. Do ACB luôn thận trọng trong việc trích lập dự phòng, mức dự phòng cao có thể giúp ngân hàng duy trì dòng lợi nhuận ổn định.
Với VIB, lãi trước thuế quý III ước tính đạt 1.300 - 1.400 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 36,6% so với cùng kỳ 2020.
Vì sao lợi nhuận ngân hàng khó dự báo?
Hai nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này đến từ gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong quý III vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã triển khai việc hạ mạnh lãi suất cho vay, tuy nhiên mức độ hỗ trợ ở từng nơi có sự chênh lệch. Theo NHNN, từ 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, đạt 43,01% so với cam kết 20.600 tỷ đồng.
Với mức giảm lãi như trên, khá dễ hiểu khi có những dự báo kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân có thể tạm vượt lên trước các "đại gia" ngân hàng thương mại Nhà nước trong quý III/2021.
Trước đó, kết quả kinh doanh quý II/2021 của các ngân hàng lớn đã khiến giới phân tích bất ngờ khi chênh lệch rất nhiều so với dự kiến. Nguyên nhân là ngân hàng đã mạnh tay tăng trích lập dự phòng khiến cho lợi nhuận đột ngột giảm mạnh.
Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng có sự phân hóa, sẽ tác động tới kết quả lợi nhuận khi đây vẫn là nguồn lãi chính của các đơn vị thành viên trong hệ thống.