Lối "thoát hiểm" nào cho ngành Nhôm trước thế "ngàn cân treo sợi tóc"?


Hiện trạng ngành nhôm vô cùng khó khăn do nhu cầu thị trường giảm mạnh khiến các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Cùng với đó, các doanh nghiệp lo lắng xu hướng đầu tư sản xuất vào Việt Nam của một số doanh nghiệp Trung Quốc để “tráng men” xuất xứ có thể khiến thị trường, thương hiệu của ngành nhôm Việt Nam bị đe dọa.

Doanh nghiệp ngành nhôm trước thách thức kép là sụt giảm đơn hàng và lo ngại mất thị trường trước làn sóng chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Doanh nghiệp ngành nhôm trước thách thức kép là sụt giảm đơn hàng và lo ngại mất thị trường trước làn sóng chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Từ quý II/2022, CTCP nhôm Austdoor đã rơi vào tình cảnh sụt giảm đơn hàng, nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng lớn khi bất động sản trong nước đóng băng, trong khi đó thị trường xuất khẩu do suy thoái kinh tế toàn cầu nên hầu như không có đơn hàng.

Sụt giảm đơn hàng, lo mất thị trường

Chia sẻ với VnBusiness, ông Dương Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP nhôm Austdoor cho biết, hiện đơn hàng của doanh nghiệp (DN) sụt giảm khoảng 50%. Sản lượng sản xuất mặt hàng nhôm thanh định hình, cửa nhôm, cửa cuốn chỉ duy trì 60%, thậm chí có thời điểm xuống 30-40% so với bình thường.

Trước khó khăn này, Chủ tịch Austdoor cho hay DN chủ yếu phục vụ phân khúc nhu cầu dân dụng thiết yếu của người dân. Hy vọng, những tháng cuối năm, tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp ngành Nhôm Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết có khoảng 100 nhà máy sản xuất nhôm nhưng vài năm gần đây, công suất bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, trong quý I/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.

Cùng với đó, ngành Nhôm lại đang phải đối mặt với nỗi lo xu hướng đầu tư sản xuất vào Việt Nam để “tráng men xuất xứ”. Ông Kế cho hay, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành Nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc (điển hình là vụ việc Công ty Xingfa Quảng Đông) đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

“Việc chuyển cứ điểm sản xuất sang Việt Nam có thể giúp nhôm Trung Quốc rửa nguồn, lấy C/O Việt Nam, tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…”, ông Kế phản ánh. 

“Các DN lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018 - 2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra/áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt xuất khẩu sang EU, Mỹ…”, ông Kế bày tỏ lo lắng.

Những năm 2016 - 2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến DN nhôm nội địa đã lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc. Năm 2019, khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam tiếp tục kiến nghị, giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình; đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay để khơi thông thị trường xuất khẩu. Đồng thời, gia hạn Quyết định áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc thêm 5 năm.

Tìm cơ trong nguy 

Trước khó khăn của ngành Nhôm, bà Phạm Châu Giang - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ bà từng làm việc với ngành Nhôm từ năm 2018, tại thời điểm đó toàn cảnh ngành Nhôm còn khó khăn hơn nhiều.

Trong giai đoạn hiện nay, bà Giang đánh giá, khó khăn lớn nhất của ngành là tiêu thụ sản phẩm, khi mà thị trường xuất khẩu và trong nước đều khó khăn do suy thoái kinh tế. Trong khi đó, dài hạn nhìn thấy 2 vấn đề, các DN  FDI có xu hướng muốn chuyển vốn vào Việt Nam như Xingfa Quảng Đông – DN có quy mô lớn ở Trung Quốc, các DN trong ngành nghe tới tên còn phải sợ. "Vậy DN Việt Nam lấy cái gì để cạnh tranh với nhôm của Xingfa ở ngay thị trường của chúng ta", bà Giang đặt vấn đề. 

Thêm vào đó, ngành Nhôm không chỉ gặp bế tắc trong xuất khẩu mà còn đối mặt với các rào cản về sản xuất xanh, phát thải carbon… Song bà Giang nhìn nhận, trong nguy bao giờ cũng có cơ, đây là điều mà các DN phải tận dụng.

“Tôi đã sang Trung Quốc, thăm các DN sản xuất nhôm lớn và thấy rằng sản phẩm của họ đa dạng hơn. Theo đó, các DN ngành Nhôm Việt Nam nên xem xét tới việc đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung ở lĩnh vực xây dựng.

Về thị trường, bà Giang đánh giá, nhôm là sản phẩm khá đặc biệt khi phần lớn vẫn nằm trong tay khối nội, vì vậy các DN cần phải liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) cũng nhấn mạnh tới vấn đề tăng cường liên kết giữa các DN ngành Nhôm với nhau. Đây là việc làm rất quan trọng, nếu không bắt tay nhau thì tất cả suy kiệt trước sức cạnh tranh của DN FDI.

“Sau Xingfa, sẽ còn rất rất nhiều DN FDI khác muốn tới Việt Nam vì họ nhìn thấy thị trường trong nước màu mỡ, thấy các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết”, bà Thủy đưa ra lời khuyên đó là vấn đề mà chính mỗi DN nhôm cần nhận ra.

Về phía Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – cho hay, hầu hết DN mới tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, mà để lỡ mất phân khúc ở giữa “luyện nhôm” do giá thành sản xuất quá cao. Do đó, việc liên kết và xây dựng chuỗi giá trị của ngành là hết sức quan trọng.

Liên quan tới kiến nghị xem xét gia hạn thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm Trung Quốc khi Quyết định trên sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đối với sự việc này là tháng 9/2023. Bộ Công Thương đề nghị các DN chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ để có thể đề nghị xem xét áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm.

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn