Long An quy hoạch huyện Cần Giuộc thành trung tâm đô thị và công nghiệp
UBND tỉnh Long An đã trình và được HĐND tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết số 34/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022, về việc thông qua Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Việc ban hành nghị quyết nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Văn bản số 6365/VPCP-CN ngày 11/9/2021 về việc chủ trương quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út cho biết: “Việc nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc là cần thiết, nhằm kiểm soát việc phát triển một cách hài hòa, quản lý sự kết hợp giữa các khu chức năng đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị, phân bổ hợp lý dân cư trên toàn huyện, góp phần đưa huyện Cần Giuộc thành một trung tâm đô thị và công nghiệp”. Phạm vi nghiên cứu, ranh giới và quy mô lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Cần Giuộc gồm thị trấn Cần Giuộc và 14 xã: Phước Lý, Long Thượng, Phước Hậu, Mỹ Lộc, Phước Lâm, Thuận Thành, Long An, Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Phụng, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Cần Giuộc được quy hoạch là đô thị trọng điểm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại TP. Hồ Chí Minh; là đô thị động lực để phát triển KT - XH tại khu vực phía Đông và toàn tỉnh Long An; là trung tâm công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh, trong đó, công nghiệp, đô thị, dịch vụ cảng có vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, Cần Giuộc còn được quy hoạch xây dựng trở thành đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh.
Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch chuyên ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển KT - XH trên địa bàn; tiến tới phát triển đô thị Cần Giuộc theo tiêu chí đô thị loại III, làm cơ sở hình thành thị xã Cần Giuộc.
Đồng thời, khai thác thế mạnh trong liên kết liên vùng ven TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng phụ cận trong tỉnh Long An thông qua hệ thống giao thông hiện hữu và các tuyến đường định hướng theo quy hoạch; hướng tới phát triển đô thị Cần Giuộc trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Long An.
Ngoài ra, việc lập quy hoạch nhằm tạo lập không gian, khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả để phát triển những ngành kinh tế có tiềm năng, bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững; xây dựng đô thị Cần Giuộc có cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, còn tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, kiểm soát phát triển không gian đô thị, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các khu vực trong khu vực, làm cơ sở để định hướng phát triển đô thị trên địa bàn huyện Cần Giuộc.
Các chỉ tiêu chính của đồ án Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 gồm dự báo đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 7.000 - 8.000ha với chỉ tiêu 200 - 250m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 3.800ha; dự báo đến năm 2045, đất xây dựng khoảng 9.000 - 10.000ha với chỉ tiêu 220 - 250m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 4.500 - 5.000ha; dự báo quy mô đất công nghiệp phù hợp cho việc phát triển lâu dài; kết quả dự báo và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cụ thể được nghiên cứu, lựa chọn để áp dụng trong quá trình lập đồ án quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển đô thị và các khu chức năng, đáp ứng chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chất lượng đô thị của đô thị loại III