Lọt top 3 ASEAN về sức hút FDI công nghệ cao, Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội?
Việt Nam đang nổi lên như một cứ điểm đón làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghệ cao, nhưng tận dụng cơ hội từ làn sóng trong lĩnh vực này thế nào vẫn là câu hỏi lớn?
Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê đến ngày 20/11/2023, vốn đăng ký mới đạt 28,8 tỷ USD, vốn thực hiện 20,2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất trong 5 năm qua (tính theo vốn thực hiện).
Gọi tên ngành bán dẫn
TS. Nguyễn Hữu Thọ - Đại diện Nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển mạnh về các nước châu Á, trong đó Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia trong ASEAN vượt trội trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Trong đó, vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn ngày càng được khẳng định. Việt Nam đóng vai trò quan trọng khi cung cấp nguyên liệu đầu vào khi đất hiếm là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất bán dẫn (22/120 triệu tấn, xếp thứ 2 thế giới).
Việt Nam cũng cung cấp không gian, hạ tầng cho tổ chức thiết kế và sản xuất, có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế (292 khu/407 khu đã đi vào hoạt động); đã hình thành các trung tâm (Hub) chuyên nghiệp (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, NIC).
Về kết nối thị trường tiêu thụ, độ mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày một nhiều (từ 138% năm 2015 lên 180% năm 2022). Phương thức vận chuyển hàng hóa đa dạng. Nằm trong khu vực sử dụng chip bán dẫn khá lớn của thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng 50% giá trị chip trên thế giới)…
Đây là những điều kiện rất quan trọng để Việt Nam thu hút FDI vào lĩnh vực bán dẫn, với sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Samsung…
Về sản xuất bán dẫn theo công đoạn, báo cáo từ Rasiah và Wong 2021 chỉ ra, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia hàng đầu khu vực về thu hút dòng vốn này. Mặc dù vậy, xếp trong khu vực ASEAN, các chỉ số của Việt Nam vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Theo đó ở công đoạn R&D, năm 2021, Việt Nam chưa có bất kỳ doanh nghiệp trong nước và FDI nào tham gia; ở công đoạn chế tạo Việt Nam cũng không có DN tham gia, trong khi Singapore có 2 DN trong nước và 6 DN FDI, Malaysia có 2 DN trong nước và 5 DN FDI, Thái Lan có 1 DN FDI.
Ở công đoạn lắp ráp và thử nghiệm, Việt Nam chỉ có 7 DN FDI tham gia, trong khi Singapore có 22 DN (gồm cả trong nước và FDI); Malaysia có 31 DN, Thái Lan có 19 DN.
Để đón thêm nhiều “đại bàng” bán dẫn, cũng như tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam làm "tổ", PGS. TS. Nguyễn Trường Thắng - Viện Công nghệ thông tin (IoIT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), nhấn mạnh Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện (vốn, nhân lực, cơ chế khuyến khích) phù hợp với sự thay đổi của dòng đầu tư.
Đầu tư nghiên cứu và phát huy sức mạnh doanh nghiệp nội
Mặt khác, ông Jonathan Pincus Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc UNDP, dẫn kinh nghiệm từ một số quốc gia trong ASEAN đã phát triển ngành bán dẫn. Theo đó, Thái Lan hầu như chỉ giới hạn ở lắp ráp và thử nghiệm bởi các công ty nước ngoài; Chỉ một nhà máy chế tạo lát bán dẫn Nhật Bản phục vụ cho ngành lắp ráp ô tô lớn trong nước; Tập trung cung cấp hạ tầng cơ bản, an ninh và tự do hóa thương mại hơn là phát triển năng lực trong nước.
Ở Malaysia, Viện Hệ thống Vi điện tử Malaysia (MIMOS) được thành lập năm 1985 bởi các trường đại học kỹ thuật; sau đó ra mắt với vai trò doanh nghiệp nhà nước. Thiết kế chip cấp quốc gia đầu tiên năm 1994; Thành lập nhà máy chế tạo lát (wafer) bán dẫn cấp quốc gia đầu tiên năm 2002. “Dù đã có hỗ trợ của nhà nước, ngành này vẫn tập trung vào lắp ráp và thử nghiệm và phụ thuộc nhiều vào FDI; Mối quan hệ với nhà sản xuất lỏng lẻo; lao động có tay nghề di cư sang Singapore để có mức lương cao hơn…”, ông Jonathan Pincus phân tích.
Nhìn từ bài học kinh nghiệm từ các nước trên, ông Jonathan Pincus cho rằng, các nước thành công bắt đầu với FDI và công nghệ được cấp phép, nhưng đã đầu tư mạnh cho trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Mối quan hệ với các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng rất quan trọng, đây là lợi thế so sánh tiềm tàng của Việt Nam.
Thực tế câu chuyện của ngành bán dẫn cũng là vấn đề mà các ngành công nghệ cao nói chung của Việt Nam phải giải quyết để tận dụng sóng FDI đầu tư. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR, nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại, nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho DN FDI của các DN nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%.
Trong khi đó, TS. Phan Hữu thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, cần phải có doanh nghiệp Việt lớn mạnh hơn để liên kết với khối FDI. Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển đủ nhanh, việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao và đưa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hợp tác với FDI chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Thắng nhấn mạnh, Việt Nam có cơ hội lớn từ dòng vốn trên toàn cầu đang dịch chuyển, song cũng còn nhiều việc phải làm nếu thật sự muốn có làn sóng đầu tư mới.