Lừa đảo qua mạng: Thủ đoạn cũ, mất tiền mới
Lừa đảo qua mạng gần đây có biểu hiện “nóng” lên. Dù thủ đoạn lừa đảo không hề mới nhưng vẫn có người sập bẫy, mất tiền với kẻ gian.
Muôn vàn thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Chị Đinh Thị T. công tác tại một tổ chức phi chính phủ cho biết, hôm 7/8 vừa qua ,thông qua mạng xã hội Facebook, một người bạn thân tên M. nhắn tin là có việc cần gấp, muốn vay chị 16 triệu đồng. Trong phần hội thoại tin nhắn của bạn, việc xưng hô và văn phong đúng như nhưng thói quen mà bạn chi từng trao đổi với chị.
Tin tưởng là bạn có việc cần đến minh giúp và cũng tế nhị nên chị không gọi điện tra soát lại yêu cầu của bạn, đồng thời thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản M. yêu cầu. Tới khi tâm sự với một người bạn chung nhóm xem M. có vấn đề gì thì người bạn kia hỏi là chị đã hỏi lại M. chưa. Lúc bây giờ chị mới tỉnh ra và gọi điện cho M. thì được biết M. không hề hỏi vay tiền chị.
Trường hợp của bà Trần Thị H. lại khác hẳn. Vào trưa ngày 9/7, bà H. nhận được một cuộc điện thoại có số đầu 069… (số đầu mạng của Bộ Công an), đầu dây bên kia có một giọng nam tự xưng là cán bộ điều tra của cơ quan công an, yêu cầu bà hợp tác để phá một vụ án liên quan đến an ninh.
Dẫn dắt một lúc thì vị “cán bộ” đề nghị cung cấp số chứng minh, hộ khẩu, số tài khoản ngân hàng, số thẻ ATM, số thẻ tín dụng… Lúc bây giờ, bà H. mới sực nhớ là đã có nghe các phương tiện truyền thông cảnh báo về việc lừa tiền qua cách gọi điện này nên kịp thời cắt máy.
Cũng mới đây chị Mai Thanh N. ngụ tại Quận 10, TP. Hồ Chí Minh lại sập bẫy kẻ gian khi được chúng thông báo nhận quà, tiền từ nước ngoài và đề nghị chuyển tiền để đóng thuế làm thủ tục nhận. Khi đã chuyển cho chúng hơn 100 triệu đồng thì bọn chúng khoá máy, khoá tài khoản Facebook không liên lạc được.
Tương tự như chuyện với chị N., việc nhắn tin báo là trúng giải từ một chương trình của ngân hàng thương mại, hay công ty du lịch, doanh nghiệp bán hàng online... nào đó rồi đề nghị chuyển tiền đóng thuế nhận giải cũng bắt đầu "rộ".
Rõ ràng, những thủ đoạn lừa đảo qua mạng này không hề mới nhưng cuối cùng thì vẫn có người sập bẫy, mất tiền với kẻ gian.
Cảnh giác không bao giờ thừa
Trong những trường hợp trên, chị T, chị H. đều là những người có trình độ, có tuổi cao nhưng chỉ vì một phút không cẩn thận, tỉnh táo mà vẫn mắc bẫy kẻ gian như thường.
Với trường hợp như chị Đinh Thị T. thì rõ ràng kẻ gian đã chiếm quyền kiểm soát Facebook của bạn chị. Chúng cũng đã nghiên cứu kỹ các hội thoại để làm sao khi trao đổi tin nhắn với chi T. giống với những hội thoại của bạn chị khiến chị mất cảnh giác.
Kẻ gian cũng biết đánh đúng tâm lý của những người già thường hay chỉnh chu, sợ liên luỵ nên đưa ra chiêu doạ dẫm khiên một số người lớn tuổi như bà Trần thị H. sẵn sàng hợp tác với “cơ quan điều tra”…
Để tránh cho khách hàng bị lừa, trên trang web chính thức của một sô ngân hàng đã đưa ra thông báo khách hàng nên cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là những phương thức lừa đảo qua Facebook, Twitter.
Các ngân hàng thương mại cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo tình trạng mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP (gọi thoại qua mạng Internet) đang có dấu hiệu phức tạp trở lại, với phương thức và thủ đoạn mới.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo yêu cầu "con mồi" ra một ngân hàng để mở một tài khoản đứng tên chính mình, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà họ đã mở bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo. Sau đó, họ đăng nhập chuyển tiền của người bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking và chiếm đoạt.
Đa số các đối tượng đều sử dụng những tài khoản ảo, tài khoản đã bị hack, sim rác để liên lạc với nạn nhân nên gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.
Các cơ quan pháp luật cũng đã phá nhiều vụ án trong đó có những vụ có yếu tố từ nước ngoài hay do người nước ngoài tới Việt Nam gây án.
Về phía các nhà cung cấp viễn thông, VNPT cảnh báo dấu hiệu các cuộc gọi lừa đảo là khi có cuộc gọi đến, khách hàng sẽ nghe hộp thư tự động thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận hoặc đang nợ cước. Sau đó, có người sẽ liên lạc giới thiệu là nhân viên các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc nhân viên VNPT trao đổi làm rõ thông tin về bưu phẩm đang chờ phát, số cước đang nợ…
VNPT cũng khuyến cáo với các khách hàng trong thời đại thông tin và các phương tiện hỗ trợ kẻ gian có thể hoàn toàn tạo ra một đầu số hiển thị ảo trên máy của nạn nhân. Như vậy có thể kẻ gian gọi từ nước ngoài nhưng vẫn hiển thị số gọi theo ý của chúng. Đây là trường hợp mà bà Trần Thị H. mắc phải khi tin tưởng số đầu máy 069…mà cung cấp các thông tin của mình cho kẻ gian.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đề nghị người dân hết sức cảnh giác, không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những thông tin trên mạng xã hội. Cần xác minh kỹ thông tin trước khi chuyển tiền theo những yêu cầu qua mạng.