Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Cho phép nhập khẩu phế liệu nhưng có kiểm soát

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ngày 20/2, sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp của UBTVQH. Nguồn: baohaiquan.vn
Quang cảnh phiên họp của UBTVQH. Nguồn: baohaiquan.vn

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sau Kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật lần này có 20 chương, 181 điều (thêm 01 chương, 21 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Các ủy viên UBTVQH về cơ bản đồng tình với bản dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, một số vấn đề về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; các quy định về ngân sách, quỹ, phí đối với bảo vệ môi trường và về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được nhiều ủy viên UBTVQH quan tâm.

Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (đại biểu Quốc hội) đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu, quy định Chính phủ công bố danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài và từ doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong các khu phi thuế quan vào nội địa.

Đồng thời, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước. Có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, quy định cụ thể “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa”, yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu như tại Điều 78 “Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu”.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “phế liệu” để tránh lạm dụng nhập khẩu chất thải và nên quy định Chính phủ quy định cụ thể Danh mục phế liệu được nhập khẩu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, trong báo cáo tiếp thu giải trình, UBKHCN đề nghị cho phép nhập phế liệu, vấn đề này cần cân nhắc thêm. "Người ta bỏ đi rồi chúng ta nhập về làm gì", ông Hiển thắc mắc.

Trong đó, dự thảo Luật đưa ra các đối tượng nhập khẩu phế liệu rất rộng, có cả các nguyên liệu không thể tiêu hủy được như sắt thép, bởi theo ông Hiển, nếu không cân nhắc thì chúng ta thành bãi rác đồ phế thải của thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ đồng ý cho nhập phế liệu, phế thải, nhưng quan trọng là ở mức độ thế nào, quy định ra sao đi kèm với đó là quy định về hàng rào kỹ thuật... "Phải làm rõ nếu không chúng ta lại đi ngược với mục đích của  chính Luật Bảo vệ môi trường", ông Lý cho hay.

Cùng đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng vẫn cần phải nhập phế liệu nhưng đi kèm với đó là phải hạn chế và có kiểm soát.

Liên quan đến các quy định về nguồn lực bảo vệ môi trường, ông Phùng Quốc Hiển than phiền rằng "cứ một luật ra đời thì lại kèm quy định về ngân sách, yêu cầu chi tiêu, quỹ, thuế. Luật này tôi không đồng tình về chương 16 về nguồn lực bảo vệ môi trường, quy định còn lỏng, nhiều quy định về ngân sách đã được quy định bởi Luật Ngân sách nhà nước".

Theo ông Hiển, những quy định kiểu như “Ngân sách nhà nước phải có mục riêng cho môi trường”, “Ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cho các nguồn chi sau”… như thế là quy định ngược. Dự thảo Luật còn liệt kê rất nhiều khoản chi, thì liệu nguồn ngân sách có đảm bảo được hay không, chưa kể còn trùng lắp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị những vấn đề liên quan đến ngân sách thì để Luật Ngân sách Nhà nước quy định, Luật này nếu có thể thì quy định các loại phí.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo Luật không đề cập nội dung liên quan đến quy định về ngân sách, thuế, phí cho bảo vệ môi trường, bởi các vấn đề này đã được quy định ở các Luật có liên quan.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.