Luật Cạnh tranh 2018: Có ngăn ngừa được thao túng thị trường?
"Bóng ma" thao túng thị trường của các "ông lớn" doanh nghiệp, hay tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" vẫn là nỗi ám ảnh lâu nay khi mà Luật Cạnh tranh cũ đã lỗi thời. Việc ra đời Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều điểm mới được sửa đổi so với Luật cũ liệu có hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh?
Có thể lấy thương vụ sáp nhập của Uber vào Grab là một ví dụ điển hình cho việc "nhờn thuốc" về pháp luật Cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đang điều tra chính thức thương vụ này.
Trước đó, sau khi tiến hành điều tra sơ bộ từ tháng 5/2018, đã cho thấy thương vụ Grab- Uber vừa vi phạm quy định cấm sáp nhập, vừa vi phạm quy trình không thông báo trước khi sáp nhập theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Tình trạng "nhờn thuốc"
Nếu kết quả cuối cùng của vụ việc vẫn khẳng định thương vụ Grab-Uber vi phạm quy định về tập trung kinh tế, có thể dẫn đến quyết định của cơ quan quản lý yêu cầu chia tách lại doanh nghiệp (DN) đã sáp nhập hoặc hợp nhất, buộc bán lại phần DN đã mua.
Về phạt tiền, có thể phạt đến tối đa 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) 2018, mức phạt 10% sẽ được áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt 10% doanh thu năm tài chính là quá thấp, không đủ sức răn đe đối với DN.
Việc sáp nhập DN để thao túng thị trường, hay "cá lớn nuốt cá bé" trong khi mức xử phạt vi phạm Luật Cạnh tranh (sửa đổi) còn nhẹ là vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo "Phổ biến Luật Cạnh tranh số 23/2018/ QH14", do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.
Bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), cho rằng mức phạt này thấp hơn mức thấp nhất của Bộ Luật Hình sự. Đây chính là điểm yếu trong việc xử phạt DN vi phạm về cạnh tranh.
Ở một trường hợp khác, Tập đoàn Centrel Group của Thái Lan mua lại BigC Việt Nam cách đây 2 năm, theo bà Lan nhiều DN cung cấp sản phẩm cho BigC trước đây đã rất quan ngại việc thâu tóm này có thể ảnh hưởng đến hợp đồng của họ đã được thực hiện.
Với vụ việc như vậy, dù thấy được nhiều tiềm ẩn bất lợi cho thị trường và nhà bán lẻ cung cấp cho Big C, nhưng do giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam nên với quy định của Luật cũ, cơ quan cạnh tranh rất khó để vào cuộc xử lý.
"Với Luật mới, các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể là với thẩm quyền được quy định, cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể phối hợp điều tra DN ở nước ngoài", bà Lan cho biết.
Doanh nghiệp phải tự giác
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chia sẻ: "Theo quy định của Nhà nước, Luật Hình sự có mức phạt cao nhất nên khi sửa đổi Luật Cạnh tranh, chúng tôi cũng suy nghĩ và đề xuất Chính phủ để đưa ra các nghị định, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khi có hiệu lực".
Dưới góc nhìn của chủ DN, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết trong quá trình làm việc với các DN gỗ ở miền Nam, khi được hỏi về Luật Cạnh tranh 2018, hầu hết các DN không biết Luật có thể giúp ích cho mình những gì; các DN cũng rất mông lung về việc thực thi Luật. Có DN sắp rơi vào tình trạng vi phạm Luật Cạnh tranh mà không hay biết.
Thực tế này gây ra những thiệt hại lớn cho DN. Khi không hiểu Luật Cạnh tranh, DN sẽ không phòng ngừa, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi xâm hại, đồng thời còn có thể dẫn tới hậu quả là chính DN đó vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Bà Huệ cũng cho biết tình trạng nhiều DN sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu của DN khác đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là cạnh tranh thiếu lành mạnh, có thể triệt tiêu DN có nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ.
Ông Phùng Văn Thành, Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), khuyến nghị có nhiều điểm mới ở Luật Cạnh tranh 2018 nên các DN cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, tránh những vi phạm không đáng có.
Đáng chú ý, Luật Cạnh tranh mới không cho phép thực hiện việc thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những DN không phải là các bên tham gia thỏa thuận. Bên cạnh đó, khi cơ quan cạnh tranh điều tra thấy DN vi phạm một mức nào đó có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Để Luật Cạnh tranh là nền tảng cho các DN cạnh tranh bình đẳng, ông Tân cho rằng việc xử phạt thực chất chỉ mang tính tương đối, quan trọng là sức lan tỏa của Luật đối với các DN.
Sự tự giác của DN sẽ là nền tảng để Luật phát huy vai trò trong phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi DN cũng như người tiêu dùng. Có như vậy, tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" mới không còn.