Bảo hộ phải đi liền áp lực cạnh tranh
Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam là dấu hiệu tốt, đồng nghĩa với thị trường sẽ phát triển, có lợi cho người tiêu dùng. Để tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia cho rằng Nhà nước có thể bảo hộ nhưng phải đi liền với tăng dần áp lực cạnh tranh.
Tín hiệu tốt
Theo Viện Dầu khí Việt Nam, hiện tại có 29 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 cửa hàng trên cả nước, trong đó thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Petrolimex.
Nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam năm 2017 ước tính đạt 19,3 triệu tấn, nhưng nhà máy lọc dầu duy nhất đang vận hành là Dung Quất mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước, còn lại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu. Trong 8 tháng năm 2017, cả nước đã nhập khẩu 8,63 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh doanh xăng dầu là ngành có điều kiện, trước đây hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên thị trường đã bắt đầu cởi mở hơn sau khi các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tiến hành cổ phần hóa. Việc xuất hiện của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là liên doanh Idemitsu Q8 Petroleum do hai đối tác đến từ Nhật Bản và Kuwait góp vốn, được nhiều chuyên gia coi đó là tín hiệu tốt.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng, sự có mặt của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu giúp người tiêu dùng được lợi vì có nhiều quyền lựa chọn. Thực tế cho thấy mới mở một cửa hàng nhưng nhiều người dân rất ủng hộ thái độ phục vụ, cách đong chính xác đến từng 0,01 lít.
Đồng tình với quan điểm trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành cho rằng văn hóa cúi chào khách, kỷ luật trong công việc đã tạo ra phong cách của doanh nghiệp Nhật Bản.
Đó là hành vi phi kinh tế nhưng lại tạo lên sự khác biệt, đem đến sự hài lòng cho người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân nhưng đã cho chúng ta thấy những báo hiệu trong tương lai xăng bán lẻ sẽ được hội nhập mạnh” ông Thành nhận định.
Theo ông Hùng, ngành xăng dầu Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, nhất là về cơ sở vật chất và có mạng lưới bán lẻ khắp cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp gian lận trong đo lường, thậm chí có những cửa hàng bị xử lý hình sự, vì gian lận. “Đó là hành vi không thể chấp nhận được. Một cửa hàng xăng dầu của Nhật Bản đã làm cảnh tỉnh rất nhiều cửa hàng khác trong việc làm ăn phải sòng phẳng” ông Hùng nhấn mạnh.
Nói về cạnh tranh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, cạnh tranh là linh hồn của kinh tế thị trường. Nói đến thị trường bán lẻ nói chung và bán lẻ xăng dầu nói riêng thì phải xem xét các khía cạnh từ nhà sản xuất, người tiêu dùng và Nhà nước.
Trong đó, người tiêu dùng thì được lợi; doanh nghiệp trực tiếp bán lẻ thì áp lực cạnh tranh tăng hơn nhưng về dài hạn sẽ khiến doanh nghiệp phát triển bền vững nhờ cạnh tranh học hỏi và vươn lên; đối với Nhà nước; lợi ích đầu tiên là thu ngân sách, lợi ích lớn hơn là nhận ra mình cần phải làm gì là đúng.
Theo phân tích đó, ông Thành cho rằng, việc doanh nghiệp Nhật Bản mở cây xăng dầu đưa tới áp lực cạnh tranh là tốt. Trong trường hợp họ vi phạm thì sẽ có luật cạnh tranh xử lý. “Nếu chúng ta không cho các doanh nghiệp phân phối vào thị trường, họ vẫn có thể “lách” luật được bằng cách đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam, khi đó nhà máy được quyền phân phối”, ông Thành nói.
Học hỏi để cạnh tranh
Theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam có nhiều lĩnh vực được Nhà nước bảo hộ như điện, xăng dầu… Nhưng bảo hộ thế nào để doanh nghiệp trong nước vươn lên được mới là quan trọng. Quá khứ đã có nhiều bài học bảo hộ chưa thành công, thậm chí khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp càng kém đi, ỷ lại nhưng không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào bị quy trách nhiệm.
Do đó, nếu bảo hộ không đem đến sự phát triển thì cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nhà nước hay cho doanh nghiệp và bảo hộ ở đây phải là có thời hạn, đi liền với áp lực cạnh tranh tăng dần. Muốn làm được điều đó thì các bộ, ngành phải phối hợp với nhau để nhất quán chính sách.
Đối với các doanh nghiệp nội địa, để phát triển được thì ngoài khát vọng, ý chí, cần phải học hỏi để cạnh tranh. Doanh nghiệp chấp nhận chịu áp lực cạnh tranh, luôn có suy nghĩ “Sẵn sàng có doanh nghiệp khác nhảy vào thay thế”. Ông Võ Trí Thành cho rằng vấn đề chính của cạnh tranh không phải chỉ là bảo vệ người đang chơi trên thị trường mà là tạo áp lực trên thị trường. Do vậy, tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp gia nhập thị trường là một trong những cách tạo áp lực lớn.
Đối với nhà quản lý, để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nói chung và ngành xăng dầu nói riêng thì cần phải chuẩn bị thị trường tốt hơn, bình đẳng hơn và Luật Cạnh tranh được xử lý, quản lý tốt hơn nữa.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh cũng khẳng định: Mỗi đối thủ đều thêm sự cạnh tranh, để tồn tại và phát triển thì bản thân doanh nghiệp trong nước phải tự đánh giá lại mình để có cách quản trị tốt nhất và sẵn sàng cạnh tranh.