Luật Doanh nghiệp: Những đề xuất sửa đổi, bổ sung


Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi 53 điều, bãi bỏ 02 điều và bổ sung 7 điều để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp: Những đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Luật Doanh nghiệp: Những đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Sửa đổi nội dung về đăng ký doanh nghiệp

Đối với ”Nội dung về đăng ký doanh nghiệp” (Chương I và II), dự thảo sửa đổi Điều 1 để bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết trong đăng ký doanh nghiệp, gồm: thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng (bãi bỏ khoản 2 và khoản 5 Điều 44); thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (bãi bỏ Điều 12); thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới (bãi bỏ khoản 1 Điều 34, khoản 4 Điều 46); bãi bỏ yêu cầu phải nộp Điều lệ doanh nghiệp khi đăng ký thành lập công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (các Điều 21, 22 và 23).

Mở rộng phạm vi đối với công ty TNHH

Đối với ”Công ty trách nhiệm hữu hạn” (mục 1 và 2 Chương III),  dự thảo sửa đổi khoản 1, 2 Điều 78 theo hướng chuyển từ bắt buộc thành lập Ban kiểm soát sang cơ chế giao quyền cho chủ sở hữu quyết định và lựa chọn cơ chế giám sát, phù hợp với trường hợp cụ thể của doanh nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 67 theo hướng mở rộng phạm vi người có liên quan, diễn giải rõ hơn các quy định này nhằm đảm bảo dễ áp dụng và áp dụng thống nhất trên thực tế.

Liệt kê rõ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ

Quy định về ”Doanh nghiệp nhà nước” (Chương IV): Việc sửa đổi các quy định có liên quan về doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết trung ương 5 đòi hỏi không chỉ sửa đổi tại Chương IV về doanh nghiệp nhà nước, mà còn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại các chương III và V, cụ thể như sau: Bổ sung Điều 87a về doanh nghiệp nhà nước, theo hướng liệt kê rõ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản lý theo Chương IV Luật doanh nghiệp. Đồng thời, đổi tên Chương từ ‘doanh nghiệp nhà nước’ thành “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ’. Doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì tùy vào hình thức pháp lý sẽ áp dụng quy định về tổ chức quản lý tương ứng áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Bổ sung quy định đối với công ty cổ phần và hộ kinh doanh

Đối với Công ty cổ phần (Chương V): Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Điều 113). Đồng thời, bổ sung khoản 6 Điều 144 về quyền biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được lưu ký để phát hành Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết để tương thích với nội dung được sửa đổi tại Điều 113. Bổ sung khoản 4 Điều 115 quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty.

Hộ kinh doanh: Bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh (bao gồm Điều 187b, 187c) theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của ‘hộ kinh doanh’ bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Theo dự thảo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, chương VIIa của Luật Doanh nghiệp sẽ được xây dựng theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của ‘hộ kinh doanh’ bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.