Tạo sự thống nhất trong quy định của Luật Giao dịch điện tử với các luật liên quan

Gia Hân

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đều kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong Dự án Luật Giao dịch điện tử nhằm tạo sự thống nhất với các luật liên quan.

Đặc biệt quan tâm bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử

Đề cập đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, bản thân đại biểu và nhiều người xung quanh thường xuyên bị lộ thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch điện tử.

“Tôi không hiểu vì sao tất cả email của tôi chỉ gửi những đơn vị, người quen nhưng các đơn vị ngân hàng, các nhãn hàng đều biết và tiếp cận. Việc này khiến email cần nhận của tôi lọt thỏm giữa một rừng thông tin", đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết.

Do đó, đại biểu này đề nghị, bảo mật thông tin cá nhân phải đảm bảo được thông tin của cả người cung cấp và trong giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật dân sự.

Quan tâm đến nội dung an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, qua nghiên cứu thực tiễn và ý kiến của các chuyên gia cho thấy, một trong những hạn chế, bất cập của Luật Giao dịch điện tử hiện hành là đã có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh)
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, tại thời điểm Luật được ban hành năm 2005, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Khi Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng ra đời lần lượt vào năm 2015, 2018, hệ thống các văn bản hướng dẫn từ đó đến nay đã hình thành hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng khá cụ thể. Việc dự thảo Luật đã thiết kế Chương VII với 2 điều dẫn chiếu (Điều 53 và 54), yêu cầu tuân thủ các quy định của hai luật nêu trên để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời bổ sung chi tiết nội dung về bảo vệ thông điệp dữ liệu, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan là cần thiết.

Tiếp tục đóng góp về quy định tại Điều 53 Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, quy định tại Điều này mới chỉ là nghĩa vụ của các chủ thể trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành giao dịch điện tử một cách thụ động; chưa thể hiện được quyền chủ động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.”

Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát và bổ sung những quy định chung về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử, vì dự thảo quy định về quy trình, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan làm cơ sở để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử nhưng lại chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân này khi thực hiện giao dịch điện tử có những quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ gì.

Cần hành lang pháp lý vững chắc để quản lý, xử phạt những vi phạm

Đưa ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, một số lĩnh vực phức tạp như: đất đai, nhà ở, thừa kế… là những lĩnh vực nhạy cảm, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao dịch trên môi trường điện tử. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Bộ Luật Dân sự và Luật Công chứng để tạo sự thống nhất trong quy định giữa các luật này với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh).
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh).

Đưa ra dẫn chứng về sự thiếu thống nhất với Luật Công chứng, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho hay: “Luật Công chứng không đề cập đến các thông điệp dữ liệu có giá trị tương đương văn bản công chứng. Trong khi dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định: có thể cho phép các thông điệp dữ liệu do các tổ chức, cá nhân tự khởi tạo, không có bên thứ ba xác nhận các yếu tố xác thực, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội vẫn được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về công chứng là chưa thống nhất với Luật Công chứng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định các phương án cụ thể để khắc phục vấn đề nêu trên bảo đảm sự thống nhất trong phạm vi điều chỉnh, đồng bộ với các Luật liên quan, bảo đảm các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn sau khi được ban hành."

Đại biểu này cũng đặc biệt lưu ý bổ sung đánh giá tác động, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện các giao dịch điện tử, cung cấp thông tin kinh nghiệm quốc tế về việc thực hiện giao dịch điện tử trong các lĩnh vực được mở rộng, đặc biệt như lĩnh vực đất đai, bởi vì hiện nay vẫn có nhiều nước không quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, thừa kế… Bên cạnh đó, cần có hàng lang pháp lý rõ ràng trong quản lý, xử phạt như thế nào trong mua, bán hàng online.

Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Đức Hiển, nhiều đại biểu cũng nhận định, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi quá nhiều từ ngữ chuyên ngành, khó hiểu, người dân khó tiếp cận. Ở nhiều lĩnh vực, yêu cầu giao dịch bằng văn bản như đất đai, nhà ở, thừa kế thì theo dự thảo luật này chưa đủ pháp lý để giao dịch trên môi trường điện tử.