Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý:
Luật Thuế Tài sản cần được xem xét trong tổng thể các chính sách
Bộ Tài chính hiện đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật Thuế Tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang nhận được những ý kiến của dư luận. Liên quan đến những nội dung của Dự án luật, chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý. |
Hiện nay, thế giới đã áp dụng hình thức đánh thuế tài sản tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau và trong dài hạn Việt Nam cũng cần phải thực hiện việc đánh thuế tài sản nhằm đảm bảo tính công bằng trong xã hội. Nếu đặt trong bối cảnh ngân sách không thể không tăng thu và bắt buộc phải tăng bằng cách này hay cách khác thì việc Bộ Tài chính điều chỉnh tăng các sắc thuế, trong đó có Luật thuế Tài sản là điều dễ hiểu hợp lý.
Thực ra, không quá khó để hiểu rằng, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác để bù đắp cho nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng suy giảm do Việt Nam thực thi các cam kết hiệp định thương mại tự do. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì lúc nào Chính phủ cũng phải cần thực hiện nhưng để có được ngay nguồn thu bù đắp ngân sách thì khó có cách nào khác là các nguồn thu từ thuế.
Tuy nhiên, việc đánh thuế tài sản, trong đó có thuế nhà, đất ở Việt Nam nên cân nhắc nghiên cứu kỹ, bởi lẽ thuế trên bất động sản có hai nguyên tắc: Công bằng và hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên. Bên cạnh đó, căn nhà trước khi hoàn thiện thì chủ nhân đã đóng thuế các loại: Thuế đất khi chuyển nhận quyền sử dụng đất, thuế đất hằng năm; thuế xây dựng nộp cho địa phương... Như vậy, chính điều này khiến cho người dân có cảm giác “Thuế chồng thuế”. Đây chính là “nút thắt” của Luật Thuế Tài sản sẽ bị phản đối dữ dội nhất khi chưa giải thích thấu đáo để người dân hiểu.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án xác định ngưỡng đánh thuế nhà là 700 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Đây cũng là đề xuất nhận được sự quan tâm của dư luận nhất. Ý kiến của ông về đề xuất này?
Cá nhân tôi đã đọc kỹ nội dung đề nghị Xây dựng Dự án Luật Thuế Tài sản và Tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính. Tôi cảm thấy Bộ Tài chính đã xây dựng khách quan và chi tiết cho Dự án luật nên về đề xuất phương án 1 hay 2 tôi tạm thời không bàn tới.
Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm ở đây, dường như các nhà làm luật mới chỉ chú trọng quy định ngưỡng đánh thuế nhà dựa theo mức giá mà không quy định những vấn đề khác có liên quan. Chẳng hạn: Đối với người chủ sở hữu của nhà ở đó, cũng cùng với căn nhà 700 triệu đồng nhưng người có thu nhập 10 triệu/tháng sẽ khác với người thu nhập 5 triệu/tháng nếu có đánh thuế. Do vậy, tôi nghĩ mức đề xuất xác định ngưỡng đánh thuế nhà cần phải cao hơn.
Ngoài ra, Luật Thuế Tài sản cũng cần được xem xét trong tổng thể các chính sách như: Luật Sở hữu Tài sản và các luật khác xem có bị “chồng” không, quy định chi tiết về cách thu và mức tính thuế rõ ràng cho các trường hợp. Khảo sát tác động của Luật Thuế Tài sản tác động đến số đông ở thành thị và nông thôn như thế nào?
Nếu giải thích đầy đủ và rõ ràng các vấn đề nêu trên cũng như trình bày chi tiết, cụ thể hơn các điều kiện bị đánh thuế và sử dụng nguồn thuế như thế nào thì mới có thể khiến dư luận hiểu rõ và ủng hộ.
Về lâu dài, thuế tài sản sẽ khuyến khích sử dụng hiệu quả đất đai, hạn chế đầu cơ đất đai, nhà ở; Đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Như vậy, điều này rất tốt cho thị trường bất động sản?
Các chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô chưa thể nói ngay rằng nó hiệu quả hay không, bởi sự tác động của nó cần thời gian để chứng minh. Dự án Luật Thuế Tài sản nếu được ban hành sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng với mặt tích cực như tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh.