Thuế tài sản không ảnh hưởng nhà, đất
Hiện Bộ Tài chính chính thức gửi lấy ý kiến về Luật Thuế tài sản của các bộ, ngành, địa phương, đăng xin ý kiến trên website Chính phủ, Bộ Tài chính. Tuy hiện nay, còn có một số lo ngại nhưng ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, luật thuế này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhà, đất.
Phóng viên: Thưa ông, việc dự luật đánh thuế đối với nhà, đất sẽ tác động như thế nào đến người dân, thị trường bất động sản (BĐS)?
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) |
Đó là giá tính thuế đất không lấy theo giá thị trường, mà theo bảng giá do UBND tỉnh, thành phố công bố hàng năm. Điều này cũng phù hợp với Luật Đất đai. Đối với nhà không thể xác định được đúng giá thực tế, bởi cùng một diện tích nhưng mỗi nhà xây khác nhau.
Do đó, việc tính toán giá nhà theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành. Thí dụ, 1 căn nhà 100m2 ở trung tâm Hà Nội, cao nhất theo bảng giá là 162 triệu đồng/m2 sẽ có giá trị 11,6 tỷ đồng, theo dự thảo là 0,3% thuế suất có thể tính ra được. Nhưng những căn nhà tương tự ở vùng núi, vùng sâu vùng xa có giá trị chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng không nên thu, dù có thể nằm trong đối tượng chịu thuế.
Thuế tài sản chỉ tính với đất ở, công trình thương mại, dịch vụ, đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Còn công trình trên đất, dự thảo quy định là công trình thương mại.
Do vậy tác động với thị trường BĐS là giá tính thuế 0,3%, mức thu không đáng kể. Tuy nhiên, nếu cá nhân có nhiều nhà ở vị trí đắc địa sẽ phải nộp thuế cao.
- Quan điểm của Bộ Tài chính là không đánh thuế với nhà thứ 2 trở lên, nhưng với trường hợp 1 người sở hữu nhiều nhà có giá trị dưới 700 triệu đồng thì sao, thưa ông?
- Trong quá trình thảo luận xây dựng dự án luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, việc đánh thuế này có nhược điểm không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có 1 căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà 50m2 lại bị đánh thuế); khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại nước ta.
Bởi thực tế các giao dịch mua bán BĐS chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó để xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân rất phức tạp.
Bên cạnh đó, phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường (ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán), từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch BĐS. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê.
Mặt khác, giá trị nhà chủ yếu nằm ở đất đai. Bởi có những căn nhà có giá trị cả triệu USD và nếu so với những căn nhà 100-200 triệu đồng ở vùng nông thôn gấp cả trăm lần. Nếu đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi có thể sẽ đánh thuế vào những người ở nông thôn, trong khi nhà giá trị cao ở đô thị không bị đánh thuế. Như vậy sẽ không tạo sự công bằng.
Chính vì vậy, phương án xây dựng của Bộ Tài chính là đưa ra ngưỡng để đánh thuế nhà, trên ngưỡng phải chịu thuế, còn dưới không phải nộp thuế. Trường hợp cá nhân có nhiều nhà dưới ngưỡng 700 triệu đồng phải cộng tất cả giá trị các căn nhà để tính thuế.
- Ở nhiều nước đất ở là sở hữu cá nhân, còn ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Vì thế việc đánh thuế liệu có hợp lý, thưa ông?
- Cơ sở của việc này là chúng ta đã giao cho người dân giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dài hạn. Cần hiểu rằng thu thuế không có nghĩa thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp. Bởi lẽ anh sử dụng phải có nghĩa vụ nộp thuế để Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Bất cập hiện nay là cơ sở dữ liệu về nhà đất của Việt Nam chưa được cập nhật thường xuyên, nên rất khó để xác định 1 người sở hữu từ 2 nhà trở lên.
Với đất, hiện nay chúng ta được kế thừa toàn bộ cơ sở dữ liệu của việc thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và ổn định 5 năm nay. Đối với đất nông nghiệp, trong dự luật lần này thuộc đối tượng không chịu thuế (thực tế cũng đang được miễn đến năm 2020).
Đối với nhà, căn cứ vào việc cấp giấy quyền sử dụng đất và giấy quyền sở hữu nhà để trên cơ sở đó xác định sở hữu nhà. Trường hợp chưa được cấp các giấy này căn cứ vào thực tế ai đang sử dụng, song để tính đủ không hề dễ dàng. 1 người sở hữu 1 nhà ở Hà Nội và căn khác ở TP. Hồ Chí Minh, làm sao xác định đó là 1 chủ sở hữu?
Giải pháp là chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu, mã số của người nộp thuế. Tôi nghĩ, trong quản lý về nhà ở cần phải làm từng bước. Thí dụ, với người thu nhập không cao, khó khăn nhưng căn nhà, đất nằm trong đối tượng nộp thuế và nếu khoản nợ thuế này lên cao có thể cho nợ.
Về việc phân chia khoản thu thuế tài sản giữa ngân sách trung ương và địa phương phải theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là tất cả khoản thu này là để lại 100% cho ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai nhằm sinh lợi sau này. Các nước họ cũng đều để lại 100% cho địa phương.