Luật vẫn chưa đủ !

Theo dddn.com.vn

Hàng loạt vụ việc nóng bỏng về vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian vừa qua như sữa có chứa melamine, thiếu độ đạm, mỡ thối, thịt bẩn, rượu có cồn công nghiệp… và gần đây nhất là liên cầu lợn khiến người tiêu dùng lo ngại, hoang mang. Tuy nhiên, Luật ATVSTP có thể “thay đổi tình hình” dường như là điều không ai dám kỳ vọng.

 

Theo dự thảo Luật ATVSTP, có tới 5 bộ chịu trách nhiệm chính về ATVSTP. Điều này khiến nhiều người lo ngại, tình trạng này cũng giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Vì vậy, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương trong quản lý đối với một số loại thực phẩm để tránh tình trạng trên.

Chẳng ai sợ... cái chung chung

Theo thống kê, hiện nước ta có 9,4 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó mới có 20 - 30% số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng theo đúng các quy định về VSATTP thì có lẽ 80% số hộ sản xuất nhỏ lẻ này phải đóng cửa. Chính quyền, cơ quan y tế biết rõ những cơ sở đó không đủ các điều kiện để sản xuất thực phẩm, là nguy cơ phát tán ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng... song cứ cho tồn tại. Theo GS TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chế tài là cả một câu chuyện. Ngay trong cơ quan ATVSTP cũng đang đặc biệt quan tâm, phải làm sao xây dựng được một chế tài riêng, hệ thống thanh tra kiểm tra chuyên ngành riêng là điều quan trọng. “Nếu nhìn vào Luật VSATTP của Trung Quốc, nó không có gì cồng kềnh mà đằng sau luật chỉ là: một, có rác phạt 500 Nhân dân tệ; hai, bẩn, có con ruồi phạt từng này” - ông Khẩn nhấn mạnh... Thực tế, Quốc hội đã ban hành hai đạo luật rất quan trọng là Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng (có hiệu lực từ 1/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (có hiệu lực từ 1/7/2008). Ngoài ra còn có sáu luật, hai pháp lệnh và 124 văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến VSATTP. Trong đó có quy định khá “nặng”  như Điều 66 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định đối với hàng giả, hàng kém chất lượng thì tịch thu và phạt tới năm lần giá trị hàng hóa đó. Ví dụ, nếu phát hiện lô hàng giả trị giá 500 triệu đồng thì toàn bộ số hàng này bị tịch thu và có thể chịu phạt lên tới 2,5 tỷ đồng. So sánh với quy định của Luật này, thì quy định trong dự luật ATVSTP vẫn chỉ quy định chung chung, chính vì thế tính răn đe không cao.

Lo ở khâu xét nghiệm và dự báo

Theo Cục ATVSTP, trong quý I/2010, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 734 người mắc, 611 người đi viện và 12 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2009, số vụ NĐTP tăng 2 vụ (8,7%); số người bị tử vong tăng 1 trường hợp (9,0%). Tuy nhiên, số người mắc giảm 308 người (29,6%) và số người đi viện giảm 313 người (33,9%). Tuy nhiên, con số trên dường như không phản ánh được lo ngại của người dân đối với vấn đề ATVSTP hiện nay. Đặc biệt, khi dịch tai xanh bùng phát và bệnh liên cầu lợn xuất hiện.

Các chuyên gia y tế đều cho rằng, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong lây truyền dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả và liên cầu khuẩn, nhưng khâu xét nghiệm thực phẩm hiện nay đang có nhiều thực tế đáng lo ngại. Đặc biệt khi sự gia tăng giao lưu giữa các quốc gia, khu vực làm tăng nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát tại các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định thực phẩm có nhiễm khuẩn hay không. Theo GS-TS Nguyễn Công Khẩn, Bộ Y tế, năm 2009, Cục khảo sát đánh giá năng lực xét nghiệm chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tại các tỉnh thì kết quả về chỉ tiêu vi sinh, hầu hết các tỉnh đã thực hiện được xét nghiệm Coliform, E. Coli, Salmonella, S. aureus nhưng đối với B. cereus còn có 20 tỉnh, thành phố chưa thực hiện được xét nghiệm này; chiếm tỷ lệ 31,75%.

Đối với chỉ tiêu ô nhiễm hóa học, mới chỉ có Quảng Bình có khả năng thực hiện được xét nghiệm dư lượng kháng sinh, chiếm tỷ lệ 1,59%. Thái Bình, Hà Nam và Quảng Trị có khả năng thực hiện được xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm pyrethroide, chiếm tỷ lệ 4,76%. Chỉ có 8 tỉnh trên cả nước có thể thực hiện xét nghiệm độc tố vi nấm, chiếm tỷ lệ 12,70%. Đối với chỉ tiêu xét nghiệm kim loại nặng, có 20 tỉnh, thành phố đã có khả năng thực hiện được, chiếm tỷ lệ 31,75%. Về kiểm nghiệm phụ gia thực phẩm chỉ mới tập trung vào hai nhóm chính là phẩm màu và chất ngọt tổng hợp; các nhóm phụ gia còn lại như chất bảo quản, chất chống oxy hóa ... hầu như chưa có khả năng thực hiện được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn thừa nhận nhiều vụ việc phát hiện thực phẩm mất an toàn là nhờ báo chí, ngành y tế luôn vào cuộc chậm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế có một thực tế là tỷ lệ hậu kiểm đối với hàng nghìn mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao là rất thấp.

Cũng theo Cục ATVSTP, dự báo nguy cơ trong năm 2010 nguy cơ ngộ độc thực phẩm chủ yếu trong năm 2010 là ngộ độc thực phẩm do bếp ăn tập thể: do thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ô nhiễm, điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn không bảo đảm; ngộ độc thực phẩm đám cưới, giỗ: do thực phẩm ô nhiễm, điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn không bảo đảm và ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố: do thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ô nhiễm, điều kiện chế biến, bảo quản và kinh doanh thức ăn không bảo đảm... Tuy nhiên, dự báo này dường như “năm nào cũng giống năm nào”, cơ quan này chưa thể đưa ra dự báo cụ thể về nguy cơ ngộ độc gắn với vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... như nhiều nước trên thế giới. Và yếu kém trong dự báo cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ ATVSTP tăng cao và khó kiểm soát.