“Lượt chơi” dạo đầu của cuộc chiến thương mại
Mỹ và Trung Quốc đã bước vào “lượt chơi” dạo đầu của cuộc chiến thương mại. Câu hỏi “Ai là người thắng, kẻ thua” trong cuộc “so găng” này đang được giới chuyên gia đưa ra thảo luận.
Theo ông Trump và các cố vấn, Trung Quốc dường như là quốc gia nghèo và phụ thuộc vào Mỹ và rất dễ bị ép buộc. Trên thực tế, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và ban lãnh đạo đầy tham vọng, vốn coi tính hợp pháp của họ phụ thuộc vào việc khôi phục sức mạnh của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đó sẽ không dễ bị hăm dọa.
Tính toán sai lầm lớn đầu tiên của đội ngũ của ông Trump là về ảnh hưởng kinh tế. Bởi Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nên chính quyền cho rằng họ có lợi thế hơn.
Stephen Moore, học giả của Quỹ Di sản và từng là cố vấn kinh tế của ông Trump, mới đây nói rằng “nền kinh tế của Trung Quốc không thể phát triển mà không được tiếp cận với thị trường Mỹ”. Thực tế cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc hiện là nền kinh tế trị giá 12.000 tỷ USD và không dễ bị tổn thương.
Ông Trump cũng không xác định xem các biện pháp thuế sẽ ảnh hưởng thực sự tới ai. Ông cho rằng các công ty và công nhân Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất, nhưng lại bỏ qua các dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Hannah Anderson, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại công ty J.P. Morgan Asset Management, mới đây bình luận rằng “phần lớn giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Mỹ đánh thuế tới từ các nước bên ngoài Trung Quốc”.
Vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính quyền Mỹ hiểu sai về Trung Quốc là vấn đề chính trị. Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo độc tài và có thể giữ chức chủ tịch trọn đời, người về lý thuyết có thể theo đuổi bất kỳ chính sách nào ông muốn.
Tuy nhiên, Trung Quốc không vận hành theo cách đó. Tập Cận Bình, giống như ông Trump, cần duy trì hình ảnh của mình và hình ảnh đó cũng được bao bọc bởi chủ nghĩa dân tộc.
Trên truyền thông nhà nước, ông Tập luôn mô tả mình là người bảo vệ nhân dân Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh, người đã đưa đất nước trở lại đúng vị trí trên trường quốc tế, hay có thể nói là “đưa Trung Quốc vĩ đại trở lại”.
Sự tự tin quyết đoán này vốn nhận được nhiều sự ủng hộ. Truyền thông Trung Quốc vẫn luôn nhắc nhở người dân về lịch sử nhục nhã dưới sự cai trị của các cường quốc phương Tây và các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản. Trong các bài phát biểu, ông Tập vẫn luôn nhắc nhở người dân về cuộc xâm lược chống lại Trung Quốc và sự quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc để định hướng lại những sai lầm.
Thông điệp của Chính phủ Bắc Kinh là rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ không còn là nạn nhân, cả trong lĩnh vực chính trị cũng như thương mại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả các biện pháp thuế mới đây của Mỹ là “hành động ức hiếp tinh vi trong thương mại” và hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ “luôn đứng về phía đúng đắn của lịch sử”.
Các nguồn tin cho biết các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đang hết sức nỗ lực để kiểm soát thông tin về cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ bằng cách cung cấp cho giới truyền thông một danh sách những điều nên và không nên đưa khi thông tin về chủ đề này.
Bốn nguồn riêng rẽ cung cấp thông tin cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc, những bên được thông báo về những hướng dẫn nội bộ này, nói với "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" rằng họ được yêu cầu không "đưa tin quá nhiều" về cuộc chiến thương mại với Mỹ và phải cực kỳ thận trọng trong việc gắn cuộc chiến này với sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) hay sự yếu kém của nền kinh tế để tránh làm lan rộng tâm lý hoảng loạn.
Bắc Kinh đang sử dụng một cách tiếp cận mềm mỏng hơn để đối phó với Mỹ so với chiến thuật trước đây là công khai chỉ trích và phát động các cuộc tẩy chay trong dân chúng, chiến thuật đã được dùng để chống lại Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines trong quá khứ.
Liệu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh khác hay không, chỉ thời gian mới có câu trả lời. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá bi quan về viễn cảnh này.
Với những mối quan hệ ràng buộc và ảnh hưởng toàn cầu, những gì diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là những điều cực kỳ quan trọng đối với thế giới. Vẫn cňn nhiều điều có thể làm trước khi mối quan hệ này hoàn toàn sụp đổ.
Chia sẻ với CNBC ngày 12/7, nhà kinh tế học Stephen Roach, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale cho rằng các cuộc chiến thương mại không dễ thắng mà dễ thua và Mỹ đang trên đà thua trong cuộc chiến này.
Học giả kinh tế từng là chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á đã ví cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay như một “kho đạn sống”, không còn là một cuộc đàm phán với ngôn từ đao to búa lớn.
Trong khi đó, các nhà kinh tế hàng đầu khác lại không đồng tình với nhận định của Roach. Trong đó phải kể đến Mohamed El-Erian, cố vấn trưởng về kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính châu Âu Allianz khi cho rằng Mỹ vẫn có vị thế mạnh hơn Trung Quốc.
Tác động đối với Trung Quốc từ cuộc chiến kinh tế mà Mỹ phát động là khá rõ ràng, nhất là khi Mỹ ra lệnh cấm các doanh nghiệp của Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho Tập đoàn viễn thông đa quốc gia ZTE vào tháng 4 vừa qua, một động thái đẩy ông lớn trong ngành viễn thông tới bờ vực sụp đổ do nguồn cung linh kiện và chip điện tử bị cắt đứt.
Nhận thức được điểm yếu này, Bắc Kinh đang tìm cách tự phát triển ngành công nghệ chip điện tử. Nước này đã đầu tư khoảng 150 tỷ USD cho kế hoạch này trong khuôn khổ các chương trình của sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Về phần mình, Mỹ thực tế bước vào cuộc chiến thương mại với một vị thế khá mạnh mẽ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có những bước phát triển nhanh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng giảm và thu nhập tăng cao.
Đó là lý do mà ở thời điểm hiện tại Chính quyền Trump không phải lo lắng quá nhiều. Những diễn biến tích cực của nền kinh tế cũng là một trong nhiều yếu tố được người ta đánh giá là lợi thế cho ông Trump và đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ “cạn đạn” trong cuộc chiến này, Roach lập luận. Chuyên gia này giải thích Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như một nguồn cung cấp hàng giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Ngoài ra, Washington cũng phụ thuộc không nhỏ vào Trung Quốc để nước này mua trái phiếu của Mỹ nhằm ngăn chặn thâm hụt ngân sách, vốn đang ngày một phình to.
Bàn về “người thắng, kẻ thua” trong cuộc chiến này, tạp chí The Diplomat trích nhận định của Gary Hufbauer, nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng cả hai bên sẽ đều thua trong một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Cuộc chiến kiểu này sẽ làm "bốc hơi" 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Rốt cục, Bắc Kinh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới và thiết kế các sản phẩm mới tiết kiệm nguyên liệu.
Nhiều quan chức trong chính quyền Trump xem đây là cơ hội để bảo đảm vị trí dẫn đầu trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy một chính sách công nghiệp mới với sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Trung Quốc không che giấu mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này.
Trong khi đó, Washington nhiều lần cho rằng Trung Quốc đang lừa dối Mỹ bằng việc thâu tóm bất hợp pháp các công nghệ trị giá tới hàng trăm tỷ USD và bóp méo các sân chơi trong nước để tạo nên thế cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được cho là gây ra tổn hại kinh tế đủ để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ trước những gì Tổng thống Trump muốn - dù đó là yêu cầu gì chăng nữa.
Tuy nhiên, ông Trump có thể nhận thấy một “mối quan hệ nghịch đảo” giữa sức ép và hợp tác với Trung Quốc. Thay vì khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải phục tùng, các khoản thuế bổ sung có thể khiến họ trở nên quyết tâm hơn.
Các động thái mới đây dường như chỉ là “show truyền hình thực tế” trước thềm các cuộc bầu cử giữa kỳ để khiến ông Trump tỏ ra cứng rắn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng cho thấy quan điểm sai lầm - và hoàn toàn không hiểu gì - về Trung Quốc hiện đại.