Lý do và tác động của việc đồng nhân dân tệ rớt giá
Milton Friedman từng nói hồi những năm 1960 rằng tỷ giá hối đoái tự do có thể dẫn đến “thương mại quốc tế tự do hơn … và giảm thuế quan”. Trong trường hợp Trung Quốc, logic của ông đang bị đảo ngược. Việc áp thuế quan đang dẫn đến tỷ giá hối đoái tự do hơn.
Vào ngày 1/8/2019, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng ông sẽ sớm áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ đô la của Trung Quốc vốn chưa bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.
Bốn ngày sau, Trung Quốc đáp trả bằng cách cho tỷ giá đồng nhân dân tệ được giảm tự do, một điều rất hiếm khi xảy ra. Đồng nhân dân tệ đã xuống dưới ngưỡng bảy nhân dân tệ đổi một đô la Mỹ, một ngưỡng tâm lý quan trọng, lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua. Và giá cổ phiếu ở Mỹ cũng đã giảm theo, với Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones giảm 2%.
Kể từ cuộc cải cách tỷ giá hối đoái năm 2015, các nhà chức trách Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ giữ giá đồng nhân dân tệ ổn định so với một rổ tiền tệ lớn, hiện có 24 loại, từ đồng baht Thái Lan đến đồng zloty của Ba Lan. Tỉ trọng tổng hợp của đồng đô la Mỹ (cùng các loại tiền tệ khác được neo theo đồng đô la) trong giỏ này chỉ khoảng 30%. Nhưng thực tế đó chưa cho thấy hết sức mạnh tiếp tục của đồng đô la Mỹ.
Bởi hầu hết những người nắm giữ đồng nhân dân tệ vẫn tập trung chú ý vào giá của nó so với đồng bạc xanh, nên các nhà chức trách của Trung Quốc cũng không thể rời mắt khỏi cặp tỉ giá này. Bất kỳ sự suy yếu đáng chú ý nào của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ đều khiến mọi người lo lắng, bất kể điều gì đang diễn ra với giỏ tiền tệ kia. Và sự lo lắng đó có thể tự tăng cường, dẫn đến áp lực bán mạnh mẽ hơn.
Sức mạnh của đồng nhân dân tệ đối với đồng đô la Mỹ cũng là mối quan tâm đặc biệt đối với ông Trump và các quan chức của ông. Dù nghe có vẻ lạ nhưng ông Trump tin chắc rằng một số nước đang cố gắng lợi dụng nước Mỹ bằng cách hạ giá nhân tạo hàng hóa bán sang Mỹ.
Do đó, các quan chức của Trump luôn tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy các chính phủ nước ngoài đang cố tình giảm giá đồng tiền của họ để làm cho hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn. Quá khứ của Trung Quốc trong việc thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại lớn với Mỹ có nghĩa là đồng nhân dân tệ luôn bị theo dõi sát sao.
Vì cả hai lý do trên, để làm Nhà Trắng yên lòng và trấn an những người nắm giữ đồng nhân dân tệ, chính quyền Trung Quốc đã giữ đồng nhân dân tệ không xuống dưới ngưỡng bảy tệ đổi một đô la. Chẳng hạn, trong nửa cuối năm 2018, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hỗ trợ đồng tệ bằng cả các phát ngôn và hành động, vừa nhấn mạnh sự cần thiết của ổn định tỉ giá, vừa mua đồng nhân dân tệ ở nước ngoài và tăng chi phí của việc đầu cơ tiền tệ thông qua các biện pháp chính sách.
Tại sao giờ Trung Quốc lại thay đổi cách tiếp cận? Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát dòng vốn, vì vậy họ không quá lo lắng rằng đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ khiến người dân Trung Quốc bán tháo tài sản trong nước để giữ ngoại tệ. (Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói rằng ngưỡng này không giống như một cái đập mà nếu bị vỡ sẽ dẫn đến ngập lụt). Và giờ khi mà các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đã sụp đổ, Bắc Kinh có ít lý do để giữ giá đồng nhân dân tệ chỉ nhằm làm Nhà Trắng vui lòng.
Rốt cuộc, một đồng nhân dân tệ yếu hơn cũng là một phản ứng tự nhiên của thị trường đối với thuế quan của Mỹ. Loạt thuế quan mới sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, điều sẽ làm giảm số lượng nhân dân tệ mà họ có thể mua vào bằng số đô la thu về nhờ xuất khẩu. Điều đó sẽ gây thêm áp lực giảm giá cho đồng nhân dân tệ ngay cả khi đó là một loại tiền tệ có tỉ giá thả nổi. Quả thật, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhanh chóng đổ lỗi cho “chủ nghĩa bảo hộ thương mại” và “chủ nghĩa đơn phương” đã gây ra sự sụt giá của đồng nhân dân tệ.
Đáp lại, Nhà Trắng chắc chắn sẽ cáo buộc Bắc Kinh dùng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại. Nhưng sẽ chính xác hơn khi nói rằng Bắc Kinh đã ngừng đỡ giá đồng tiền của họ bởi vì giờ đây họ thấy ít triển vọng đạt được một hòa ước thương mại với Mỹ.