M&A có giúp các ngân hàng Việt nâng hạng?
M&A ngân hàng được nhận định sẽ là xu thế tất yếu giúp các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng chuẩn mực Basel II. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của các thương vụ này.
Xu thế trước Basel II
Gần đây thị trường tài chính chứng kiến nhiều thương vụ bán vốn của các ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại, mới đây nhất, Vietcombank bán 7,73% vốn điều lệ cho đối tác GIC Special Investments – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore do Thủ tướng Lý Hiển Long làm Chủ tịch. Sau thương vụ trên Vietcombank trở thành tâm điểm trong ngành ngân hàng, góp phần đưa cổ phiếu ngân hàng này tăng “phi mã”.
Cùng với đó, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2% và điều này sẽ giúp củng cố nguồn vốn trước khi Basel II được áp dụng cho 10 ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam kể từ năm sau.
Trước đó, trong năm 2011, Vietcombank đã bán cho Mizuho (Nhật Bản) 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành, đang lưu hành. Khoản đầu tư này tương đương 567,3 triệu USD, bằng 11.800 tỷ đồng, thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.
Cách đây không lâu (26/08), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới cũng đã chính thức công bố trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Gói đầu tư của IFC vào TPBank có giá trị 403,1 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,99% cổ phần tại TPBank. Không riêng TPBank, IFC cũng là nhà đầu tư rót vốn vào ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần.
Còn tại ngân hàng Eximbank, cổ đông lớn nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation- SMBC (Nhật Bản) với 185.329.207 cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Đại diện phần góp vốn của SMBC là ông Naoki Nishizaw, phó chủ tịch HĐQT.
Có thể thấy, các thương vụ trao đổi, mua bán cổ phần các ngân hàng của các đối tác ngoại rất sôi nổi thời gian vừa qua. Theo một số lãnh đạo ngân hàng, M&A sẽ trở thành một xu thế tất yếu bởi trong bối cảnh các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017 thì các ngân hàng sẽ có những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.
Có là “cứu cánh”?
Có thể thấy, các thương vụ M&A không đơn thuần là chuyển quyền sở hữu mà sau đó, Ngân hàng Nhà nước còn đồng hành và giám sát hoạt động của các ngân hàng khi được mua bán, sáp nhập lại nhằm bảo đảm ngân hàng được vận hành, hoạt động ổn định, hiệu quả.
Như vậy, sự có mặt của các nhà đầu tư ngoại có thương hiệu mạnh sẽ giúp các ngân hàng Việt có thêm điều kiện cần để tiếp cận với các chuẩn mực quản trị mới, các cách thức phát triển mới, thậm chí để nâng cấp thương hiệu sau một loạt các thương vụ mất tiền không rõ nguyên nhân vừa qua. Cùng với đó, rủi ro ngân hàng cũng được kiểm soát tốt hơn.
Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tiêu cực” sang “ổn định”, nhờ lạm phát và lãi suất được kéo xuống mức thấp, cùng dòng vốn FDI đang quay trở lại.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, thấp hơn tiêu chuẩn 3% mà Ngân Hàng Nhà nước đặt ra. Như vậy, các thương vụ M&A đang góp phần giúp tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng dần “rút chân” ra khỏi “bãi lầy” suốt 4 năm qua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định xu thế này chưa chắc đạt được kỳ vọng “cứu cánh” các ngân hàng yếu kém. Bởi thực tế cho thấy, các thương vụ M&A ngân hàng đã bắt đầu từ cách đây vài năm với nhiều nhà đầu tư ngoại.
Cụ thể, ngân hàng Bank of Tokyo-Misubishi UFJ (Nhật Bản) đã chi ra 743 triệu USD để thâu tóm 20% cổ phần của ngân hàng Vietinbank. Mizuho Bank (Nhật Bản) mua 15% cổ phần VCB, trong khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation thâu tóm 15% cổ phần của Eximbank.
Trong khi đó, quỹ đầu tư Dragon Capital (Anh) cũng thâu tóm 7,13% cổ phần của ACB hay Vina Capital (Mỹ) sở hữu 4,97% cổ phần của Eximbank.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mức sinh lời của các khoản đầu tư này thật khó để làm các nhà đầu tư ngoại hài lòng khi giá cổ phiếu của các ngân hàng không tăng trưởng bao nhiêu so với cách đây vài năm, ngoại trừ VCB.
Thực tế trong thương vụ GIC thâu tóm VCB, giá cổ phiếu mà quỹ đầu tư này bỏ ra khá thấp, chỉ khoảng một nửa so với thị giá. Điều này cho thấy các nhà đầu tư ngoại phải chăng đang “dè chừng” bởi bài học của những thương vụ mua bán đắt đỏ trước đó đã không được trả giá xứng đáng?
Điều này được coi là có căn cứ, bởi rủi ro từ các ngân hàng nội vẫn còn đó. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại hầu hết các ngân hàng vẫn được duy trì ở mức dưới 3% nhưng theo báo cáo quý II con số tuyệt đối bắt đầu có sự gia tăng trở lại đáng báo động.