M&A - công cụ xử lý nợ xấu ngân hàng
Thời gian gần đây, trái với nhiều kỳ vọng, sau hơn hai năm hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mới thu hồi, phát mại được khoảng 8.670 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5% tổng số nợ xấu mà VAMC mua được từ các ngân hàng. Vì vậy, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng dường như đang trở thành một công cụ xử lý nợ xấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khá đắc lực và hiệu quả.
M&A ngân hàng cũng bình thường như sự phát sinh và xử lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng ngân hàng thời kinh tế thị trường và hội nhập.
Hoạt động M&A cho phép các ngân hàng chủ động tham gia thêm cơ hội mở rộng quy mô, thị phần, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cải thiện năng lực tài chính, chi phí kinh doanh, sức cạnh tranh và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, hình thành một số tập đoàn tài chính - ngân hàng mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; giảm bớt được áp lực nợ xấu và cải thiện vị thế trên thị trường...
Tuy vậy, nếu chuẩn bị không kỹ và quản lý quá trình M&A không tốt, sẽ có thể tạo bất bình đẳng và thua thiệt quá mức cho bên yếu thế; lan truyền tin đồn thất thiệt, gây tâm lý không an tâm và ngập ngừng cho người gửi tiền; hoặc bị lợi dụng “đục nước béo cò”, đầu cơ...
Thị trường M&A ngân hàng đã từng “nóng” ở Việt Nam, với những thương vụ tiêu biểu là Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD từ năm 2007; tiếp đó là Habubank sáp nhập vào SHB; 3 ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB...
Vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong các lĩnh vực ngân hàng là năm 2011, Tập đoàn Tài chính Mizuho Financial đã bỏ ra 567,3 triệu USD để mua 15% cổ phần phát hành thêm, tương đương 347,6 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Theo tinh thần Ðề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/2012/QÐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 của tái cơ cấu, M&A và xử lý nợ xấu theo cả ba kênh nổi bật là mua lại ngân hàng với giá 0 đồng; M&A trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng tổ chức tín dụng và bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và M&A bắt buộc một số (khoảng 6-7 vụ) tổ chức tín dụng “dưới chuẩn” vào tổ chức tín dụng khác, với sự tham gia tích cực của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) và mở cửa nhiều hơn cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm mục tiêu tới 2017-2020, hệ thống chỉ còn lại khoảng trên dưới 20 ngân hàng thương mại mạnh.
M&A có tác dụng giảm nhanh nợ xấu không chỉ trực tiếp nhờ nguồn vốn và tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh “mở hầu bao” giúp thanh toán nợ xấu, mà còn giúp giảm nợ xấu về kỹ thuật dù quy mô nợ xấu không đổi, nhưng được tính trên một tổng dư nợ tín dụng mới “hậu M&A”. Tuy nhiên, thậm chí có thể khiến ngân hàng nhận sáp nhập bị tăng nợ xấu từ nợ kế thừa của ngân hàng đối tác.
Để các hoạt động M&A mang tính chủ động và tích cực, giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, thâu tóm thị trường và những hệ lụy mặt trái có thể, cần chú ý triển khai những giải pháp đồng bộ, khuyến khích phát triển các dịch vụ thông tin, môi giới và tư vấn hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp cho hoạt động M&A và giải quyết hậu M&A.
Bản thân các ngân hàng trong nước cần tăng hiểu biết cơ bản về M&A; chủ động sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn, môi giới trong xác định tín nhiệm và định giá; thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý, thông tin về thị trường và đối tác, tránh tình trạng bị ép giá, bị lừa đảo và bị “hớ “do thiếu kỹ năng, hiểu biết và thông tin...
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp lý liên quan điều chỉnh hoạt động M&A; thực hiện nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết, đồng bộ và có tầm nhìn xa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động M&A nói riêng, năng lực giám sát và cảnh báo rủi ro hệ thống sớm.
Xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, sự thiếu công khai minh bạch trong các NHTM, gắn với tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu về quy mô vốn đối với mỗi NHTM; kiểm soát chặt chẽ phân loại nợ và trích lập rủi ro của các NHTM, bảo đảm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.
Cùng với việc tăng cường vai trò can thiệp của NHNN để bảo đảm tiến trình tái cơ cấu kịp thời và hiệu quả, giữ vững sự ổn định hệ thống và an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia trong hoạt động M&A.
Áp lực “làm sạch và tự làm sạch” nợ xấu của các NHTM trong nước đã, đang và sẽ được thúc đẩy nhờ NHNN kiên quyết triển khai ngày càng đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém theo từng đợt và “chùm” NHTM vừa qua.