Sáp nhập ngân hàng sẽ tăng sức cạnh tranh!

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Theo Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing TRẦN HOÀNG NGÂN, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian qua đã giúp hình thành lên ngân hàng lớn, đủ khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, cần phải kiện toàn hệ thống ngân hàng để tránh những tình huống mới sẽ phát sinh sau quá trình sáp nhập vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: vcmedia.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: vcmedia.vn

Sau sáp nhập có thể phát sinh tình huống mới

Trong thời gian qua, các hoạt động để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được tiến hành mạnh mẽ, nhất là việc sáp nhập các ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về quá trình này?

Trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại trong nước đã có nhiều yếu kém, hạn chế, thậm chí có đơn vị đã chuyển sang mức độ nguy hiểm. Để ổn định hệ thống, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, cũng như sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 2 giai đoạn hành động. Trong đó, giai đoạn thứ nhất đã được tiến hành bằng cách sáp nhập đơn vị yếu kém với ngân hàng lớn hoặc giải thể, giúp giải quyết những đơn vị có nhiều hạn chế, tồn tại, từ đó giúp ổn định toàn hệ thống.

Giai đoạn thứ hai được thực hiện nhằm nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Trong giai đoạn này, các ngân hàng được tự lựa chọn đối tác sáp nhập, thay vì được chỉ định như thời gian trước. Ngân hàng nhỏ có thể sáp nhập vào ngân hàng lớn để đôi bên cùng có lợi. Cụ thể, ngân hàng nhỏ có thể lấy vốn, hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ năng quản trị để tiếp tục phát triển, đặc biệt lấy danh hiệu của ngân hàng đối tác để khắc phục hạn chế. Ngân hàng lớn cũng được tăng vốn điều lệ, thêm nhân sự để lựa chọn và có quyền mở rộng văn phòng đại diện để thu hút thêm khách hàng. Đối với những đơn vị quá yếu, không có đối tác nào chấp nhận sáp nhập, thì Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, và tạm giao cho ngân hàng có tiềm lực mạnh, có nhân sự tốt thực hiện củng cố lại đơn vị này.

Vậy, quá trình sáp nhập các ngân hàng, cũng như tái cơ cấu toàn hệ thống đã mang lại những kết quả nào?

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại một số kết quả. Trong đó, việc sáp nhập các ngân hàng đã giúp giảm số lượng những đơn vị nhỏ yếu, góp phần hình thành lên ngân hàng lớn, đủ khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay. Vấn đề nợ xấu cũng đã được khoanh vùng lại, tạo điều kiện cho dư nợ tín dụng tăng lên. Dư nợ tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 4,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu tích cực vì dư nợ tín dụng trong thời gian trước tăng thấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiện toàn hệ thống ngân hàng để tránh những tình huống mới sẽ phát sinh sau quá trình sáp nhập vừa qua. Ví dụ như, khi kinh tế phục hồi, chúng ta lại tiếp tục cho vay bất động sản, thì có thể bong bóng bất động sản sẽ quay lại.

Bảo đảm chi trả tiền gửi tiết kiệm cho cá nhân, tổ chức

Những chuyển biến tích cực trong hệ thống ngân hàng thương mại thời gian qua cũng có nguyên nhân từ các chính sách, chủ trương được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, thưa ông?

Các chính sách, chủ trương được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian qua là đúng đắn. Đây là những biện pháp cần thiết để có thể ưu tiên cho mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Việc sáp nhập các ngân hàng đã quan tâm hàng đầu đến sự ổn định của hệ thống. Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng sai phạm, yếu kém với giá 0 đồng, nhưng chỉ những người chủ ngân hàng mới phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém, tồn tại của họ. Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo đảm chi trả tiền gửi cho những cá nhân, tổ chức gửi tiết kiệm tại các đơn vị được sáp nhập.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán mới nhất cho thấy, nhiều đơn vị vốn có tiềm lực mạnh trong hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta lại đang có mức nợ xấu cao hơn thời gian trước...

Trên báo cáo tài chính của các ngân hàng đúng là đã cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh trở lại trong quý I.2015. Cụ thể, nợ xấu của 7 ngân hàng niêm yết (ngoại trừ SHB) tại thời điểm 31.3.2015 là 36.436 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng này là 2,17%, cao hơn khá nhiều so với mức 1,86% hồi đầu năm. Số nợ xấu tăng là đúng rồi, vì khi đang khỏe mà phải gánh thêm anh yếu thì tiềm lực của ngân hàng bị chia sẻ đi. Tuy nhiên, đây chỉ là diễn biến tạm thời, vì ngân hàng sẽ được bù đắp sau đó, khi được mở thêm chi nhánh, có điều kiện lựa chọn cán bộ giỏi... Nói cách khác, ngân hàng sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.

- Xin cám ơn ông!