M&A ngân hàng: Giờ cao điểm
(Tài chính) Một loạt các ngân hàng sẽ tiếp tục tiến hành M&A trong năm nay đang hâm nóng không khí thị trường tài chính vốn đang cấu trúc lại.
Nếu xét theo quan điểm thông lệ M&A, những vụ mua bán cổ phần trị giá lớn, tỷ lệ sở hữu cao như vụ Bank of Tokyo mua 20% cổ phần của Vietinbank hồi đầu năm ngoái, hay vụ Mozuho nắm 15% cổ phần Vietcombank giao điểm cuối năm trước và 2013, đều không được xếp vào dạng thương vụ M&A.
Các thương vụ M&A tiếp theo nói lên điều gì?
Tuy nhiên, nhiều quan điểm khác nhau vẫn cho rằng những vụ mua bán vốn cổ phần này đều là các thương vụ M&A mở rộng. Và ở góc độ này, thì không phải đến bây giờ Vietinbank hay Vietcombank – 2 trong 4 ngân hàng “gốc” quốc doanh và cũng là 2 trong 4 trụ cột ngân hàng lớn nhất Việt Nam – mới vào cuộc chơi M&A.
Song, thực tế phải nói rằng đến giai đoạn này, với những thông tin vô cùng nóng hổi về các dự tính M&A Domestic (doanh nghiệp - DN trong nước với nhau) - giữa ngân hàng nội với ngân hàng nội -, thì dường như các ông lớn ngân hàng Việt mới chính thức ở giai đoạn gấp rút vào cuộc. Thời cơ để các đối tượng ngân hàng nhỏ tự nguyện/ bắt buộc sáp nhập vào các ngân hàng lớn đã chín muồi. Hay chính các ngân hàng lớn cũng ở trong thế tự nguyện hoặc bắt buộc, không thể “bình chân như vại” khoanh tay đứng nhìn.
“Ông lớn” vào cuộc sáp nhập nội
Theo thông tin từ Dự thảo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam PGBank, ngân hàng này đang có nội dung sẽ xin ý kiến các cổ đông để sáp nhập vào Vietinbank. Tài liệu ĐHĐCĐ của Vietinbank tuy không đề cập cụ thể nội dung này tuy nhiên một trong những nội dung dự kiến của ĐHĐCD Vietinbank sẽ diễn ra vào ngày 29/4 chính là “Các nội dung khác theo quy định của pháp luật và điều lệ Vietinbank”. Nhiều cổ đông ngân hàng Công Thương Việt Nam cho rằng “nội dung khác”, có thể là đề xuất xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập PGBank và bàn bạc cách thức sáp nhập, hoán đổi cổ phiếu… mà HĐQT sẽ đưa ra trong kỳ đại hội.
Một điều khá ngạc nhiên là trước khi PGBank công bố đề án tái cấu trúc theo phương án xin sáp nhập Vietinbank, giữa hai ngân hàng này không có quá nhiều mối liên hệ với nhau. Trong danh mục đầu tư của mình, Vietinbank đang sở hữu trực tiếp 9,11% của ngân hàng Công Thương Sài Gòn - SaiGonBank, và không sở hữu cổ phần nào của PGBank. Bản thân PGBank, không được biết đến như một ngân hàng mạnh khi qui mô của nhà băng tư nhân này rất khiêm tốn với tổng tài sản chỉ 19.000 tỉ đồng, tương đương chỉ 1/30 so với quy mô tổng tài sản 576.000 tỉ đồng.
Với trường hợp Vietcombank, thông tin ngân hàng này có thể đã nhắm được đối tượng M&A có vẻ kín kẽ hơn. Tại thời điểm hiện nay, chưa có ngân hàng nào lên tiếng sẽ xin sáp nhập vào Vietcombank. Trong tài liệu dự kiến ĐHĐCĐ ngày 23/4 tới, Vietcombank cũng không hề có nội dung đề cập đến việc M&A ngân hàng. Tuy nhiên, tờ trình xin cổ đông thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng này năm 2014 được xem sẽ là “chìa khóa” hé mở kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng nhỏ hơn. Cùng với đó, bên lề Diễn đàn M&A Mizuho thường niên, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã khẳng định có thể sẽ xem xét M&A ngay khi có điều kiện.
Hiện tại, ngân hàng Quân đội (MB) mà Vietcombank đang nắm sở hữu 9,59% không có kế hoạch M&A mà đã công bố tài liệu đại hội cổ đông với nội dung chào bán cổ phần cho đối tác trong ngoài nước và tăng vốn điều lệ. Đây là tổ chức tín dụng (TCTD) duy nhất mà trong báo cáo thường niên VCB 2013, chính thức có tên trong danh mục đầu tư/ thoái vốn của VCB.
Còn theo một vài số liệu thống kê khác, Vietcombank có nắm sở hữu của Eximbank 8,19% vốn (tính đến 30/6/2013), nắm 4,7% của SaiGonBank (tính đến 31/12/2011); nắm 5,016% của Phương Đông Bank OCB (tính đến 31/12/2012). Không loại trừ tỷ lệ sở hữu này đã được giảm trừ trong hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư và đồng thời tái cấu trức để giảm tỷ lệ sở hữu đa TCTD của VCB thời gian vừa qua.
Vậy, từ “có thể” đến “hành động” với VCB lúc này, là khoảng thời gian dài hay ngắn? Và ai sẽ là đối tượng Vietcombank nhắm tới, hay đối tượng mà Vietcombank sẽ “rước” trong thời gian tới sẽ hoàn toàn không liên quan đến 4 tổ chức ngân hàng này?
Hỗ trợ hay đầu tư?
Phân tích về thương vụ M&A dự kiến giữa PGBank và Vietinbank, một chuyên viên nghiên cứu ngân hàng cho biết thương vụ này được thực hiện dưới dạng hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 0,82 cổ phiếu CTG đổi lấy 1 cổ phiếu PGBank, tức giá tối đa mua lại PGBank là 13.612 đồng/cổ phiếu (tương đương PB năm 2014 là 1,2 lần) so với PB năm 2014 của CTG là 1,0 lần (tính theo giá đóng cửa của CTG trong phiên 11/4).
Theo báo cáo tài chính của PGBank, trong năm 2013, lợi nhuận ròng của PGBank đạt 38 tỉ đồng, tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) là 2,6%, tỷ lệ nợ xấu là 2,9%, ROE là 1,2% và ROA là 0,2%. “Với việc PGBank có khả năng sinh lợi thấp và có thị phần nhỏ hơn so với CTG, trong thương vụ này có vẻ như CTG đóng vai trò hỗ trợ cho PGBank hơn là quyết định đầu tư vào PGBank, đặc biệt là sau khi sáp nhập PGBank sẽ vẫn giữ nguyên cơ cấu và thương hiệu hiện tại”, vị chuyên viên này cho biết.
Nếu như trường hợp PGBank tham gia xin tái cấu trúc bằng sáp nhập đã khá rõ ràng, thì trên thị trường đang và sẽ còn nhiều trường hợp xin sáp nhập tới đây, có khả năng gây bất ngờ khác.
Còn nhớ trung tuần tháng 11/2013, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết bên cạnh 9 TCTD yếu kém phải tái cấu trúc bắt buộc và đã thực hiện, NHNN cũng đã phát hiện thêm 8 TCTD yếu kém khác, trong đó 2 ngân hàng thương mại cổ phần và 6 TCTD phi ngân hàng. Một trong những trường hợp M&A nhìn thấy trước, nhưng vẫn khiến thị trường “bất ngờ nhất” là việc Phương Nam Bank sáp nhập vào Sacombank. Với tỷ lệ nợ xấu chiếm trên 50% tổng tài sản (và theo một nguồn tin riêng của DĐDN, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn), Phương Nam Bank phải chăng là trường hợp TCTD yếu kém đầu tiên, trong 8 TCTD mà NHNN đã phát hiện để bắt buộc “tiên phong” sáp nhập Sacombank?
Nếu đúng như vậy, với một tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ 2,9% nhưng qui mô yếu, tỷ suất sinh lời kém và đặc biệt do là ngân hàng tư nhân chưa niêm yết, PGBank là trường hợp thứ hai?
Và trong trường hợp giả thiết này đúng, khả năng cao là TCTD mà VCB nhắm tới, không phải là ngân hàng mà chính là một TCTD phi ngân hàng? Điều này dường như khá tương hợp với một trong những định hướng VCB sẽ thực thi trong năm 2014: Lập Công ty Tín dụng Tiêu dùng và đã thực thi thoái vốn khỏi Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương, nay là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong năm 2013?
Trong khi đó, trường hợp ngân hàng Mekong Bank xin sáp nhập vào MaritimeBank, lại được xem là sáp nhập tự nguyện khi cả hai đều có vị thế ngân hàng tư nhân, có cùng một số cổ đông lớn và MaritimeBank đang nắm 10,16% của MekongBank, đồng thời Cty chứng khoán MaritimeBank cũng nắm 7,39% cổ phần MekongBank.
“Với danh sách các TCTD yếu kém chưa chính thức công bố, nhưng những thương vụ sáp nhập mà các ngân hàng lớn hoặc TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần cao thuộc NHNN thực thi, đều đã và đang dần dần lộ diện danh tính các TCTD này. Theo đó, khả năng lớn nhất đây vẫn là các thương vụ được chỉ định hỗ trợ để hệ thống ngân hàng nhanh chóng giải quyết dứt điểm các TCTD yếu kém, sớm đến gần mục tiêu đưa số lượng các nhà băng về chỉ còn một nửa so với trước, khoảng 15-17 ngân hàng tới năm 2015”, một chuyên gia nói.