CPTPP: Cơ hội và sức ép để thay đổi

PV.

Cơ hội khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cải cách thể chế, mở rộng thị trường, cơ hội cho doanh nghiệp cho các nước thành viên. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép rất lớn đặt ra đối với Việt Nam.

Theo cam kết của Việt Nam thì ngay từ năm đầu tiên, 65% mặt hàng có thuế xuất 0%; 85% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực
Theo cam kết của Việt Nam thì ngay từ năm đầu tiên, 65% mặt hàng có thuế xuất 0%; 85% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực

Một thực tế đặt ra khi tham gia vào CPTPP, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh giữa các thành viên này, mỗi lĩnh vực hàng hóa doanh nghiệp (DN) có một cơ hội tận dụng khác nhau.

Tuy  nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để có chỗ đứng cho hàng hóa của mình trong môi trường này, ngoài biểu mẫu kèm theo Hiệp định, DN phải tham khảo thêm lời văn để hiểu cặn kẽ hơn các nội dung cam kết như quy tắc thương mại, điều kiện thuế quan; phạm vi điều kiện áp dụng… Qua đó, mới có thể tận dụng được ưu đãi.

Theo cam kết của Việt Nam thì ngay từ năm đầu tiên, 65% mặt hàng có thuế xuất 0%; 85% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực… Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. Đây là thách thức không nhỏ đối với các DN Việt Nam...

Bên cạnh đó, CPTPP cũng rất linh hoạt trong cơ chế xác định nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, không chỉ nhà sản xuất, mà nhà xuất khẩu cũng được tự chứng nhận xuất xứ.

Với tinh thần chung của CPTPP là khuyến khích thương mại nội khối, với những quy định cộng gộp toàn phần trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ, ưu tiên các mặt hàng lấy nguyên liệu từ các nước thành viên.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, thì DN phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Thực tế, rất nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện, nhất là quy tắc xuất xứ hàng hóa, bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu sạch và minh bạch.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngoài cơ hội tiếp cận thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu, tăng đầu tư và việc làm thì sức ép từ cạnh tranh cũng tăng lên, điển hình là nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ.

Mặt khác, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước của họ có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là các mặt hàng dệt may, giày dép…

Thách thức lớn hơn và riêng có của CPTPP là doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng các cơ quan nhà nước để kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh, sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới cần phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc phải tự nâng cao năng lực và đặc biệt doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Nếu không làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ.

Để doanh nghiệp Việt Nam không bỡ ngỡ, chủ động tham gia CPTPP, các chuyên gia cho rằng, việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết.

Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần phải có quyết tâm tổ chức thực thi các cam kết CPTPP một cách thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường, và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP.