Mạnh tay giải thể các công ty lâm nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài
(Tài chính) Đó là một trong những nội dung lớn được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 – NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông, lâm nghiệp.
Còn nhiều ngổn ngang
Ông Trần Ngọc Bình, Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết, nhiều nông lâm trường quốc doanh hiện nay mặc dù đã chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp nhưng vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp, đạc biệt là chưa phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh.
Được biết, thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh (ngày 16/6/2003), các lâm trường đã tiến hành rà soát và đã chuyển đổi thành Ban quản lý rừng; Các lâm trường thua lỗ kéo dài, không cần thiết giữ lại thì giải thể, các lâm trường còn lại chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp và công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 –NQ/TW đến nay, những ngổn ngang về hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn hiện hữu.
Trước năm 2012, bình quân mỗi năm Việt Nam khai thác từ 200.000-300.000m3 gỗ rừng tự nhiên nhưng đến năm 2013, sản lượng khai thác này chỉ còn 90.000m3 và tiến tới sẽ dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những nổi cộm chưa được giải quyết dứt điểm, đó là việc quản lý, sử dụng đất đai diễn biến phức tạp, thậm chí nghiêm trọng hơn; Chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất đai và rừng; Phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa; Chưa lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp sổ đỏ chiếm tỷ lệ thấp, có biểu hiện vi phạm về chính sách và pháp luật đất đai dưới nhiều hình thức như: Chuyển nhượng bất hợp pháp, đát giao khoán bị biến tướng sang khoán trắng, phát canh thu tô hoặc mua đi bán lại của các chủ nhận khoán; tranh chấp, lấn chiếm đất. “Tình hình trên không chỉ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật cũng như an ninh trật tự địa phương”, ông Bình nhận định.
Thực vậy, mâu thuẫn đất đai giữa người dân và lâm trường, giữa người dân và bên ngoài cộng đồng, giữa người dân với chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đang ngày càng căng thẳng và phức tạp, gây tốn kém thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của lâm trường. “Hiện nay các công ty có rừng trồng sản xuất thì tương đối ổn định và chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng do chưa rõ ràng về ranh giới rừng nên nhiều công ty bị vướng vào tình trạng bị xâm chiếm, lấn đất. Nhiều đơn vị còn không dám khai thác vì sợ xảy ra tranh chấp với người dân trong khu vực”, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận.
Được biết, hiện số lượng lâm trường quốc doanh tuy đã giảm mạnh từ 256 xuống còn 148 công ty lâm nghiệp song trên thực tế, hầu hết các đơn vị này vẫn quản lý một diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phân bố xen kẽ trong địa giới công ty (chiếm 19,7% tổng diện tích đất lâm nghiệp của các công ty lâm nghiệp). Tương tự, các ban quản lý rừng phòng hộ vẫn quản lý một diện tích đất rừng sản xuất phân bố xen kẽ trong địa giới ban quản lý rừng (chiếm 21,4% tổng diện tích đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng)…
Cần chuyển biến mạnh mẽ hơn!
Theo ông Bình, việc sắp xếp đổi mới hiện nay chỉ mang tính hình thức, nên hình thức tổ chức mới tỏ ra chưa phù hợp, thậm chí còn gây cản trở cho hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Ví dụ, chu kỳ kinh doanh dài (theo chu kỳ sinh học của cây rừng), tài sản rừng là tài sản đặc biệt, phạm vi rộng lớn, địa hình phức tạp, gắn với hộ nông dân miền núi…
Nhằm cải thiện tình hình trên, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông, lâm nghiệp. Nghị quyết 30-NQ/TW kế thừa và nâng cao Nghị quyết 28-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đáp ứng hơn nữa nhưng yêu cầu của tình hình mới và phù hợp với bối cảnh hệ thống pháp luật về kinh tế và kinh doanh đang dần tiệm cận với thông lệ quốc tế… Như vậy, mục tiêu mà Nghị quyết 30-NQ/TW và Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp mong muốn hướng tới, đó là không chỉ tiếp tục sắp xếp lại công ty lâm nghiệp mà phải đổi mới căn bản và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị này.
Vấn đề đặt ra là để đổi mới và nâng cao hiệu quả cho công ty lâm nghiệp cần phải giải quyết những vấn đề gì? Sự khác biệt so với mô hình tổ chức quản lý hiện nay? Liệu có cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng và thống nhất để triển khai thực hiện rà soát đánh giá và sắp xếp lại hay không? Đặc biệt là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng tài nguyên rừng; Gắn sự tồn tại phát triển của công ty lâm nghiệp với an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi, môi trường sinh thái như thế nào?
Trả lời cho câu hỏi trên, giới chuyên gia cho rằng, cần có cách nhìn nhận mới về công ty lâm nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ như: Công ty lâm nghiệp là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, không lấy hiệu quả kinh tế đơn thuần làm mục tiêu và tiêu chí đánh giá như các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác; Hoặc công ty lâm nghiệp đóng vai trò đầu tàu, bà đỡ, định hướng cho kinh tế hộ gia đình nông, lâm nghiệp ở nông thôn miền núi. Theo đó, việc thực hiện quy hoạch ổn định, trên phạm vi rộng và bền vững vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và sản xuất hàng hóa tập trung gắn với quản lý quỹ đất tập trung; Việc quản lý, duy trì và sử dụng hợp lý diện tích rừng tự nhiên gắn với bảo vệ tính đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu là vai trò nòng cốt của các công ty lâm nghiệp; Việc quản lý hoạt động của các công ty gắn với quản lý diện tích lớn đất và rừng, tái sản xuất kinh tế đồng thời với tái sản xuất tự nhiên. Quan trọng hơn phải xem đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp cũng là đầu tư cho môi trường sinh thái; cho xóa đói giả nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn miền núi và đồng bào dân tộc.
“Vấn đề cơ bản hiện nay là nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp của bà con nông dân và cộng đồng dân cư sống liền kề ở các công ty lâm nghiệp là rất lớn. Do đó, cần đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, công ty lâm nghiệp và cộng đồng dân cư. Nếu không có nguyên tắc này thì sẽ không bao giờ hết cảnh mâu thuẫn về sử dụng đất lâm nghiệp ở vùng trung du và miền núi”, ông Đặng Bá Thức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Hà Tĩnh nêu quan điểm.
Được biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang gấp rút lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp. Cụ thể, ngày 2/7 vừa qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã cùng Liên hiệp hội các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) - đại diện của Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp. Và dự kiến, tháng 9/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ Nghị định này để ban hành.