Mạnh tay sáp nhập ngân hàng để xóa sở hữu chéo
(Taichinh) - Sau thương vụ sáp nhập giữa MekongBank vào MaritimeBank (2 ngân hàng cùng dáng dấp chủ sở hữu) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua, trong năm nay, sẽ có 5-6 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) được tiếp tục xem xét.
Trong số đó, thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đây là 2 ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu (gia đình ông Trầm Bê nắm giữ hơn 20% cổ phần của SouthernBank và trên 6% cổ phần tại Sacombank). Do vậy, với tỷ lệ chuyển đổi cổ phần dự kiến 1:0,75% được HĐQT SouthernBank tiết lộ trong kỳ đại hội đồng cổ đông mới đây đã khiến không ít cổ đông Sacombank tỏ ra bức xúc. Thế nhưng, khi cổ đông lớn nắm giữ cổ phần giữa hai ngân hàng, thì việc tỷ lệ chuyển đổi cổ phần sẽ được các cổ đông này ra quyết định.
Sau 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng và sáp nhập, hợp nhất đối với nhiều ngân hàng có hoạt động không hiệu quả, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng từng bước giảm dần. Đồng thời, với quy định của Thông tư 36/TT-NHNN được áp dụng từ đầu tháng 2/2015, các ngân hàng có 1 năm trong lộ trình thoái vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng khác xuống mức quy định tại Thông tư 36.
Tại Sacombank, hiện Eximbank đang sở hữu tỷ lệ cổ phần 9,7% và lộ trình đưa ra đối với Eximbank cũng phải thoái vốn tại Sacombank sau 1 năm Thông tư 36 có hiệu lực. Mặc dù trước đó (đầu năm 2013), Sacombank - Eximbank đã ký kết hợp tác chiến lược. Trong đó, có nội dung thỏa thuận nghiên cứu, xem xét trình đại hội đồng cổ đông và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất và sáp nhập sau thời gian 3-5 năm để nghiên cứu khi có đầy đủ các điều kiện. Thế nhưng, kế hoạch trên khó thực thi và HĐQT Eximbank cho biết, sẽ thoái vốn tại Sacombank theo lộ trình của Thông tư 36.
Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho rằng, tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng sẽ dần được bóc trần sau 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn xuất hiện những thông tin về các thương vụ mua - bán cổ phần ngân hàng với nguồn vốn vay, nhưng khó tránh tình trạng vốn “ảo”.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Chi nhánh NHNN TP.HCM cho rằng, việc mua - bán cổ phần, cổ phiếu của những ngân hàng sắp sáp nhập cũng được nhà đầu tư, cổ đông quan tâm. Tuy nhiên, về vấn đề này, NHNN không quản lý, mà thuộc sự chi phối, quản lý của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Phía NHNN sẽ quản lý các ngân hàng thương mại trên 2 nội dung.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng phải nắm giữ tỷ lệ cổ phần, cổ phiếu theo đúng quy định của NHNN.
Thứ hai, nếu vay vốn ngân hàng để mua cổ phần, cổ phiếu phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, trên hợp đồng vay vốn phải ghi rõ mục đích là mua cổ phần, cổ phiếu và phải có tài sản thế chấp. Đồng thời, nếu vay vốn của ngân hàng để mua chính cổ phiếu của ngân hàng đó thì không đúng theo quy định của pháp luật, mà sẽ phải là ngân hàng khác cho vay để đầu tư vào ngân hàng khác.
Hiện NHNN đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo hướng sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động mua, bán, hợp nhất, sáp nhập giữa các tổ chức tín dụng, để vừa xử lý dứt điểm tổ chức tín dụng yếu kém, vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng. Tính từ cuối năm 2011 đến nay, đã có 3 ngân hàng thương mại cổ phần hợp nhất với nhau, 3 ngân hàng sáp nhập vào các ngân hàng khác; NHNN cũng đã phê duyệt chủ trương sáp nhập thêm 2 ngân hàng vào 2 ngân hàng khác.
Số lượng các tổ chức tín dụng giảm đi là 7 (5 ngân hàng thương mại cổ phần và 2 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Thực hiện lộ trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, giai đoạn 2011 – 2015, năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN dự kiến sẽ phê duyệt và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoàn thành kế hoạch hợp nhất, sáp nhập khoảng 6-8 tổ chức tín dụng với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước và một số ngân hàng thương mại lớn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng để đảm bảo các tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động an toàn, ổn định hơn.
Với xu hướng ngày càng nhiều tổ chức tín dụng tự nguyện sáp nhập, hợp nhất với nhau, các tổ chức tín dụng sẽ được tái cấu trúc theo hướng tập trung tăng quy mô, năng lực cạnh tranh, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và tái cấu trúc nên kinh tế của cả nước nói chung. Tuy nhiên, cũng theo Thống đốc Bình, ngoài các ngân hàng yếu kém được xác định và xử lý từ cuối năm 2011, NHNN cũng đã xác định thêm được một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải cơ cấu lại trong thời gian tới.