Mạnh tay với doanh nghiệp nợ BHXH
Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài; đồng thời có biện pháp ngăn chặn chủ doanh nghiệp bỏ trốn để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 89.565 đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH nhưng có đến 42.680 đơn vị (chiếm hơn 47%) đang nợ BHXH. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong thu chi BHXH và nhất là ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động (NLĐ).
Trục lợi BHXH diễn ra ở nhiều nơi
Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tại nhiều địa phương, đơn vị cho thấy ý thức chấp hành BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của một số doanh nghiệp (DN) còn thấp, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ. Chưa kể, việc trục lợi BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa được xử lý triệt để.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thành phố cho biết có rất nhiều hình thức được chủ sử dụng lao động dùng để đối phó với việc đóng BHXH cho NLĐ. Điển hình như việc người sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc tham gia nhưng không đủ số lao động đang làm việc tại đơn vị. Đáng lo hơn cả vẫn là tình trạng các DN chậm đóng với khoản nợ lớn và kéo dài vẫn thường diễn ra. Khi nợ BHXH kéo dài thì DN cũng không có khả năng thanh toán.
Tham gia cùng đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, khẳng định chính sách BHXH, BHTN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nguồn nhân lực. Đây là "của để dành" của NLĐ. Tuy nhiên vừa qua, có một số đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi khi tiến hành mua bán sổ BHXH như món hàng cầm cố, thế chấp. Thậm chí có người giả mạo cơ quan BHXH đưa lên Facebook để mua bán sổ BHXH hoặc ủy quyền bằng cách lách luật. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần được xử lý nghiêm.
Lãnh đạo BHXH thành phố cho biết từ khi được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, cơ quan này đã tiến hành hơn 120.000 cuộc thanh tra, xử phạt về hành chính 316 đơn vị với số tiền gần 27 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra đã thu hồi về quỹ BHXH số tiền hơn 1.200 tỷ đồng. "Từ khi Luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thì cơ quan BHXH thực hiện chuyển 37 hồ sơ của các DN nợ BHXH cho cơ quan điều tra. Hiện cơ quan điều tra đã thụ lý 32 hồ sơ" - ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH thành phố, cho biết.
Đối với việc mua bán sổ BHXH trong thời gian vừa qua, ông Hà thông tin BHXH thành phố đã thống kê những trường hợp ủy quyền nhiều lần từ năm 2018 đến nay. Qua rà soát, thống kê cho thấy có những trường hợp ủy quyền hơn 100 lần. Cơ quan BHXH đã lập danh sách chuyển Công an thành phố để xem xét, điều tra.
Không cho ủy quyền nhận trợ cấp một lần
Tại chương trình "Lắng nghe và trao đổi" do HĐND thành phố tổ chức mới đây, khi đề cập tình trạng nợ đọng, trục lợi BHXH, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHXH, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cần nghiên cứu sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng tạm thời không nhận đại diện theo ủy quyền đối với các trường hợp nhận trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp người ủy quyền thật sự ốm đau. Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an khi phát hiện những chủ tài khoản Facebook có đăng thông tin mua bán sổ BHXH thì nên gỡ bỏ ngay vì đây hành vi phi pháp, cần xử lý nghiêm.
Đồng thời ngành BHXH nên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm để tiện việc tra cứu dữ liệu thu - chi. Bên cạnh đó, cần nâng cao mức xử phạt để đủ tính răn đe các DN có hành vi nợ BHXH kéo dài hoặc trốn đóng BHXH. Việc xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm cũng cần quyết liệt để làm gương cho các đơn vị khác.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, năm 2019, LĐLĐ thành phố đã đại diện và bảo vệ quyền lợi cho 225 NLĐ tại tòa với số tiền gần 2 tỷ đồng. LĐLĐ thành phố cũng chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện đã thực hiện đại diện theo ủy quyền tại tòa cho hơn 300 NLĐ. Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện thi hành án để trả lương, chốt sổ BHXH cho NLĐ.
Tuy nhiên, ông Tâm cho biết việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thủ tục ủy quyền gây tốn kém và mất thời gian cho NLĐ. Đa số các vụ kiện chủ DN nợ BHXH, nợ lương đều vắng mặt, trong khi đó tài sản không còn, nhà xưởng chủ yếu là thuê cho nên rất khó thi hành án để trả lương và chốt sổ BHXH cho NLĐ. "Nhiều NLĐ đến yêu cầu tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi thì không đủ chứng cứ như hợp đồng lao động, trong khi DN không cung cấp bảng lương nên việc khởi kiện ra tòa rất khó" - ông Tâm nói.
Để bảo vệ quyền thụ hưởng của NLĐ, ông Tâm kiến nghị đối với các vụ án lao động, ngành tòa án cần nghiên cứu áp dụng thủ tục xét xử rút gọn. Ngoài tăng cường công tác kiểm tra giám sát, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các trường hợp chủ DN bỏ trốn, tẩu tán tài sản để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ tại các DN mà chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH. Quốc hội về lâu dài cần xem xét ban hành Luật Tố tụng lao động để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Hiện trên địa bàn thành phố có 17 KCX-KCN với hơn 1.300 DN và 290.000 lao động. Nhằm phát hiện kịp thời các DN vi phạm pháp luật về BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý Các KCX-KCN thành phố (Hepza), cho biết ngoài tăng cường phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, BHXH tiến hành thanh, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BHXH, lao động tại các DN, Hepza sẽ nhắc nhở, đôn đốc các DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng các cơ quan chức năng, quận, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền. Bởi thời gian qua, công tác này chưa được quan tâm và thực hiện đúng mức. "Ví dụ như câu chuyện NLĐ muốn nhận BHXH một lần. Đây là thiệt thòi lớn cho NLĐ. Nếu tuyên truyền tốt thì NLĐ sẽ muốn đóng đủ thời gian để được hưởng lương hưu" - ông Hậu gợi ý.