Xử nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH
Tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) khó thu lên đến hơn 2.000 tỉ đồng do doanh nghiệp "mất tích", phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn.
Nhiều doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm với số nợ lớn, mặc dù đã có quy định xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. TP. Hà Nội là địa phương nằm trong danh sách có số nợ đọng bảo hiểm nhiều nhất. Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm những đơn vị, DN trên địa bàn sau thanh tra vẫn tiếp tục nợ đọng BHXH, BHYT.
Răn đe doanh nghiệp không hợp tác
Theo báo cáo của Thanh tra TP. Hà Nội, từ tháng 5/2019 đã thanh tra 80 đơn vị nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền nợ 32,8 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận quyết định thanh tra, đã có 56 đơn vị truy nộp 21,3 tỉ đồng nợ BHXH, BHYT; 22 đơn vị truy nộp một phần nợ.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 đơn vị không khắc phục vi phạm gồm: Công ty CP Thái Lan Paint (quận Cầu Giấy) và Chi nhánh Công ty Khảo sát và Xây dựng USCO - Xí nghiệp Khảo sát đo đạc và Xây dựng (quận Bắc Từ Liêm). Hiện 2 đơn vị này nợ BHXH, BHYT hơn 1,5 tỉ đồng. Đến hết tháng 1/2020, số nợ và lãi phát sinh đã lên tới hơn 1,874 tỉ đồng.
Trước tình hình này, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND TP ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 2 đơn vị trên. UBND TP. Hà Nội cũng giao BHXH TP phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự nếu 2 đơn vị không hợp tác.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thu hồi nợ BHXH, báo cáo của BHXH TP. Hà Nội cho biết mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu nợ, trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng các DN vẫn chưa thực hiện nghiêm túc cam kết về lộ trình trả nợ và khắc phục số nợ theo các kết luận thanh tra.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, cho biết đã yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các đơn vị, DN, chú trọng đánh giá chất lượng của các đoàn thanh tra, kiểm tra. Đồng thời đề nghị xem xét chuyển Công an TP. Hà Nội hồ sơ những công ty, DN cố tình nợ, trốn đóng BHXH để điều tra, xác minh, khởi tố và đưa ra truy tố, xét xử án điểm các đơn vị trốn đóng BHXH, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).
283.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cả nước có đến 50% số lượng DN chưa tham gia BHXH cho NLĐ. Trước đó, báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy hiện cả nước có 610.000 DN hoạt động nhưng đang quản lý thu BHXH được 327.000 DN.
Như vậy, còn tới 283.000 DN đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH cho NLĐ. Quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến hơn 2.000 tỉ đồng do DN "mất tích", phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Thậm chí, có rất nhiều DN nợ bảo hiểm với số nợ lớn, mặc dù đã có quy định xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn tái diễn...
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết đến hết tháng 1-2020, số tiền thu, tình hình phát triển BHXH, BHYT toàn quốc kết quả chưa như mong đợi. Do vậy, ông Liệu yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố quyết liệt, tăng cường đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ, phát triển đối tượng theo từng tháng; rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển tham gia BHXH bắt buộc; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN…
Đặc biệt, các địa phương phải tổ chức thực hiện ngay quy trình thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất đối với các DN nợ BHXH, BHYT theo quy định; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự… Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu ngay trong những tháng đầu năm, các địa phương phải đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ BHXH.
Để hạn chế cũng như có những giải pháp xử lý với các DN nợ đọng BHXH, gần đây nhiều địa phương đã áp dụng cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân vi phạm. Đề xuất này được Cục Quản lý xuất nhập cảnh đồng ý nhưng sau đó đại diện Bộ Tư pháp không đồng ý vì cho rằng chỉ được cấm xuất nhập cảnh với cá nhân là chủ DN chứ không phải là người đại diện hợp pháp (đại diện pháp lý) cho DN. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc xác định đối tượng và ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ BHXH.
Mở chiến dịch thanh tra toàn quốc
Trước đó, Bộ LĐ-TB-XH cho biết năm 2020 sẽ mở chiến dịch thanh tra về BHXH và BHTN đồng loạt tại các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, bộ sẽ phối hợp với liên ngành, chú trọng thanh tra vào 2 đối tượng: các DN nợ thời gian ngắn nhưng số tiền nợ nhiều và DN nợ thời gian dài nhưng số tiền ít, gây ảnh hưởng quyền lợi NLĐ.
Năm 2019, ngành LĐ-TB-XH triển khai khoảng 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật lao động, trong đó lồng ghép thanh tra về BHXH, BHTN. Qua thanh tra cho thấy việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm của các DN tốt hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn những vi phạm do các lỗi: đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ cho lao động thuộc diện phải tham gia; chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; chưa phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ BHXH cho NLĐ... Các cơ quan thanh tra đã ban hành 1.497 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 48 tỉ đồng.