Margin tăng kỷ lục chưa đáng lo, nhưng rủi ro thì vẫn có?


Chuyên gia cho rằng nếu thị trường vẫn đi ngang, dao động trong biên độ như hiện nay, rủi ro do margin sẽ không lớn dù đã tăng kỷ lục. Tuy nhiên, cũng cần tính đến trường hợp nếu thị trường giảm điểm sâu hơn sẽ khó có thể tránh được việc kích hoạt call margin và force sell, nhất là khi nhiều yếu tố không chắc chắn đang ở phía trước.

Margin tăng cao kỷ lục dù thanh khoản thị trường thấp.
Margin tăng cao kỷ lục dù thanh khoản thị trường thấp.

Dữ liệu từ Fiingroup cho thấy, dư nợ cho vay margin thống kê từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán (CTCK) - đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành - đạt gần 219.000 tỷ đồng (gần 8,6 tỷ USD) tại thời điểm cuối quý II/2024.

Tỷ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử khi dư nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường ở mức 9,4%, mức đỉnh vừa thiết lập này vượt qua kỷ lục cũ (gần 185.000 tỷ đồng) thời điểm quý I/2022.

Dư nợ cho vay kỷ lục dù thị trường đi ngang, thanh khoản thấp

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường quý II gần như đi ngang so với quý liền trước, "không đồng pha" với diễn biến về dư nợ cho vay margin.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm CEO FiinGroup cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản bình quân ngày không tăng so với quý I/2024, mặc dù giao dịch của tài khoản cá nhân mua ròng nhiều nhưng không thể hấp thụ nổi số tăng margin trong quý II vừa qua (39,6 nghìn tỷ đồng mua ròng trên HoSE trong khi số dư margin tăng tới 22,6 nghìn tỷ đồng trong quý II/2024). Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK giảm 9,9% so với cuối quý I/2024, về 94,13 nghìn tỷ đồng vào 30/6/2024.

Như vậy, sự tăng trưởng của margin một phần lớn liên quan đến các giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thoả thuận/block shares, trong đó có những lô do một số nhà đầu tư nước ngoài bán.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta đánh giá, dư nợ margin tăng trong quý II tập trung nhiều ở những CTCK hay làm “deal”. Thực tế, riêng quý II, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 41.000 tỷ đồng. Quy mô bán ròng này một phần được đẩy ra thị trường, nhưng phần còn lại được hấp thụ bởi các nhà đầu tư trong nước, những cổ đông lớn của chính các doanh nghiệp. Do đó, một phần quy mô cho vay margin được sử dụng cho việc này.

Một số chuyên gia phân tích đồng quan điểm dư nợ tại các CTCK nhiều khả năng chủ yếu từ các "giao dịch" lớn của các ông chủ/các cổ đông lớn của doanh nghiệp, chứ không phải từ các nhà đầu tư cá nhân.

Trong quá khứ, dư nợ margin thường tăng mạnh khi thị trường đạt đỉnh và dòng tiền cho vay lúc này chủ yếu hấp thụ bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước - lực lượng chiếm áp đảo giá trị giao dịch trên thị trường.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Thuân, chỉ tiêu cho vay ký quỹ gia tăng cũng là điều phù hợp với diễn biến tăng vốn của các CTCK trong giai đoạn trước và sự mở rộng của số lượng nhà đầu tư. Nhờ vậy, rủi ro của thị trường được giảm bớt. Nếu thị trường vẫn đi ngang, dao động trong biên độ như hiện nay, rủi ro do margin sẽ không lớn.

Thông tin từ nhiều CTCK cho biết, dư địa cho vay margin còn nhiều, không bị “căng” như thị trường lo ngại. Giai đoạn 2021 - 2022, đa số CTCK “full room margin” (cạn nguồn cho vay) khiến lượng cầu bị ảnh hưởng. Hiện nay, với năng lực vốn tăng cao nhờ tăng vốn điều lệ, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II/2024 ước đạt 90%, mức cao nhất trong 7 quý gần nhất, nhưng vẫn thấp so với giai đoạn VN-Index ở vùng đỉnh quanh 1.500 điểm và còn cách xa ngưỡng quy định cho phép (2 lần vốn chủ sở hữu).

Cần nhắc đến rủi ro call margin khi thị trường giảm điểm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng cần tính đến trường hợp nếu thị trường giảm điểm sâu hơn sẽ khó có thể tránh được việc kích hoạt call margin và force sell.

Nếu so sánh với lượng giá trị rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm (khoảng 49,7 nghìn tỷ đồng), tổng giá trị ký quỹ trên vẫn còn khá khiêm tốn. Thị trường cần dòng tiền mới gia nhập để vượt qua lực cản này. Thực tế cho thấy, tiền mới gia nhập cũng chưa thật sự dồi dào. Điều này khiến cho thị trường gặp nhiều khó khăn trước ngưỡng 1.300 điểm và không dễ để vượt qua trong ngắn hạn.

Theo thống kê, thanh khoản giảm mạnh ở nhiều phiên trong 2 tuần qua, bình quân chỉ đạt 12.000 - 13.000 tỷ đồng/phiên trên HoSE, đặt ra nghi vấn một lượng tiền lớn đã “tạm nghỉ”, hoặc rút ra khỏi thị trường. Đặc biệt, dư nợ margin đang ở mức cao kỷ lục, đồng nghĩa với thị trường chứng khoán được nâng đỡ bởi tiền vay, còn lượng tiền “thật” ít đi.

Mặt khác, nhiều yếu tố không chắc chắn đang ở phía trước cũng sẽ tác động đến quyết định mua bán của nhà đầu tư trên thị trường.

Về tình hình quốc tế, sự kiện ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây rúng động toàn cầu, nhưng sau đó cũng giúp tỷ lệ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới tăng vọt bất ngờ. Nhiều loại tài sản đã phản ứng mạnh trước khả năng ông Donald Trump một lần nữa bước vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới sẽ không dễ dự đoán, khi ông Joe Biden tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024. Với khả năng tác động sâu sắc đến các thị trường tài chính, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng mang đến nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, một yếu tố cần quan tâm nữa là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9 tới, với xác suất cơ quan này sẽ lần đầu tiên giảm lãi suất trở lại kể từ tháng 3/2020 đang lên đến 92%. Với kỳ vọng rộng khắp như vậy, trong trường hợp Fed bất ngờ vẫn giữ nguyên lãi suất sẽ là cú sốc cho thị trường. Vì vậy, không ít nhà đầu tư có lẽ vẫn muốn chờ động thái rõ ràng hơn của Fed trước khi quay lại thị trường.

Trong nước, Việt Nam những năm qua đã trở thành điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, nhưng không ít nhà đầu tư có đang chờ đợi xem liệu có sự thay đổi quan trọng nào sắp tới hay không...

Trước những yếu tố không chắc chắn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng áp lực call margin vẫn là vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh hiện nay. Margin không chỉ đến từ CTCK, mà còn có các bên thứ ba cho vay (thường được gọi là “kho” - cho vay với danh mục nhiều hơn, tỷ lệ đòn bẩy cao hơn). Margin đến từ các “kho” chưa từng có con số thống kê chính xác, nhưng dư nợ có thể ở mức không nhỏ.

Các “kho” tồn tại vì có nhu cầu. Thay vì CTCK chỉ được cấp margin cho nhà đầu tư theo danh sách được phép giao dịch ký quỹ mà Sở giao dịch phê duyệt, thì các bên cho vay thứ ba “thoáng tay và thoải mái hơn” về danh sách, về hạn mức và tỷ lệ đòn bẩy. Chính điều này góp phần thúc đẩy thị trường tăng điểm khi thuận lợi, nhưng sẽ là “hòn đá tảng” đè nặng khi thị trường điều chỉnh.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn