Mặt hàng cẩu trục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng cẩu trục hiện nay là 0%, bằng cam kết trần WTO. Mức thuế này đã tuân thủ theo đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Công văn số 14141/BTC-CST ngày 13/12/2021, Bộ Tài chính đã trả lời kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam về đề xuất áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm cẩu nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài.

Về thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng cẩu trục, Bộ Tài chính cho biết, khoản 2 Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng cẩu trục (nhóm 8426.12 và 8426.19) là 0%, bằng cam kết trần WTO.

Như vậy, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng cẩu trục hiện nay đã tuân thủ theo đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cẩu nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài lên 10% của Hiệp hội là không thực hiện được.

Tuy nhiên, để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cẩu trục trong nước, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có ý kiến với Bộ Công Thương về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khác.

Liên quan đến kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi chi tiết máy, thiết bị để sản xuất cẩu trục, Bộ Tài chính cho biết, chi tiết máy, thiết bị để sản xuất cẩu trục có rất nhiều loại khác nhau (gầu ngoạm, gầu kẹp, động cơ, các loại đinh ốc, vít, dây tời, bộ phận khác...). Nhiều mặt hàng có thể sử dụng để lắp ráp chung cho nhiều loại máy (ví dụ như: đinh ốc, các chi tiết sắt, thép) hoặc trường hợp có một số mặt hàng trong nước đã sản xuất được cần được bảo hộ (dây tời, vít tải).

Theo đó, để có cơ sở cho việc nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị của Hiệp hội, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội nêu rõ mô tả hàng hóa và mã HS của các loại linh kiện, phụ tùng, thiết bị mà Hiệp hội đề nghị điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN cũng như năng lực sản xuất trong nước đối với các loại hàng hóa này.