Mật ong Việt Nam bị áp thuế 400%: Nguy cơ đánh mất thị trường Mỹ
Hơn 85% lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam là xuất vào thị trường Mỹ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nước này áp thuế chống bán phá giá…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp dụng thuế chống bán phá giá lên đến 400% đối với mặt hàng mật ong nhập khẩu từ Việt Nam. Đây được coi là mức thuế cao nhất đối với một mặt hàng Việt từ trước đến nay.
Theo dự kiến, kết luận chính thức và cuối cùng về việc áp dụng mức thuế này sẽ được Bộ Thương mại Mỹ ban hành vào tháng 4/2022 tới đây.
Cuối năm 2021 DOC đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam. DOC đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam 410,93%- 413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng.
Hiện nay, Việt Nam đang là nước đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu mật ong vào Mỹ. Hiện có khoảng 35 công ty Việt xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hằng năm đạt khoảng 70-100 triệu USD.
Đáng chú ý, tổng sản lượng mật ong cùng nhiều sản phẩm từ ong khác của cả nước đạt bình quân gần 60.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu và thị trường Mỹ chiếm đến 95% thị phần xuất khẩu của mật ong Việt Nam.
Trước tình hình bị đánh thuế quá cao như trên thì ngành mật ong Việt Nam sẽ có thể đánh mất thị trường Mỹ do không thể cạnh tranh với các đối thủ khác khi các nước khác cũng bị kiện bán phá giá trong đợt này là Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina chỉ bị áp mức thuế thấp hơn nhiều.
Về vấn đề này, theo ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam: “Với mức thuế chống bán phá giá gây sốc và cao đến mức khó tin như vậy thì khó có thể xuất khẩu mật ong vào thị trường Mỹ. Đây là mức thuế bất hợp lý, vì để mật ong được xuất khẩu vào Mỹ thì phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía Mỹ, như phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)”.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mật ong Việt Nam, vì vậy giải pháp quan trọng nhất lúc này là cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn cho doanh nghiệp, người nông dân thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ. Song song đó xây dựng các chỉ tiêu an toàn về mật ong để có cơ sở đánh giá về chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Chinh cho rằng cần tăng cường xúc tiến thương mại để đa dạng thị trường xuất khẩu mật ong, tránh phụ thuộc vào mỗi thị trường Mỹ. “Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tuyên truyền nhiều hơn để người tiêu dùng sử dụng mật ong nhiều hơn nữa”, ông Chinh khuyến nghị.
Mức thuế cao không tưởng này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn tác động không nhỏ đến người nuôi ong tại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đều đã có những trao đổi với phía Mỹ ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ làm rõ phương pháp tính biên độ bán phá giá mà cơ quan này đang áp dụng; đồng thời đề nghị việc tính thuế phải trên cơ khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam.
Qua câu chuyện xuất khẩu của mật ong càng thấy rõ, muốn xuất khẩu được bền vững cũng cần thay đổi cả tư duy và hành động. Nông sản phải được đặt hàng chứ không chờ để giải cứu.