Mặt trận mới xuyên Đại Tây Dương
Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên của Nga đến Đức băng qua biển Baltic, gọi là “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc xung đột ngày càng tăng giữa châu Âu và Mỹ.
Mỹ cứng rắn
Tờ The Wall Street Journal mới đây đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Đức từ bỏ “Nord Stream 2” và xem đây là một trong những điều kiện để Mỹ ký thỏa thuận thương mại với châu Âu, trong đó không có thuế suất cao đối với mặt hàng thép và nhôm. Thậm chí, Washington còn đe dọa trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án này.
Trong một phát biểu hồi tháng 3, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Sandra Oudkirk cảnh báo, Mỹ có thể đưa ra các hình phạt đối với dự án theo một dự luật được Nghị viện Mỹ thông qua tháng 8/2017.
“Pháp luật Mỹ cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp chống lại dự án năng lượng của Nga để phản đối sự tham gia của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Có rất nhiều dự án đường ống trên thế giới có khả năng bị cơ quan xử phạt Mỹ hỏi thăm. Bất kỳ dự án đường ống như thế nào, Nord Streams 2 đang ở vị trí cao hơn về nguy cơ nhận trừng phạt” - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Từ lâu Mỹ đã phản đối đường ống dẫn khí này, viện dẫn sự độc lập về năng lượng của châu Âu và vai trò của Ukraine. Tuyến đường ống mới này được cho là giảm nhẹ vai trò chuyển tiếp khí đốt từ Nga đến châu Âu của Kiev. Ngoài ra, một quan chức Mỹ gần đây đề cập nguy cơ đường ống này sẽ tạo điều kiện cho Nga cài đặt công nghệ nghe lén và theo dõi ở biển Baltic.
Tuy nhiên, châu Âu từ lâu nghi ngờ động cơ thật sự của Washington đằng sau sự phản đối nói trên. Với giới chức Đức, đây là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, vốn chỉ chiếm 5% lượng LNG nhập khẩu của châu Âu trong năm 2017. Đáng nói là mặt hàng LNG của Mỹ hiện đắt hơn ít nhất 20% khí đốt từ nhà cung cấp Gazprom của Nga.
Trên thực tế, Mỹ cũng đã nhắc tới một chương trình mới với Ukraine mà từ đó có thể chuyển thẳng nhiên liệu tới châu Âu thay vì khí đốt Nga. Bà Sandra Oudkirk cho rằng, song song với việc trừng phạt dự án xây dựng đường ống chạy dưới biển Baltic, Mỹ sẽ hướng tới giúp đỡ Ukraine có bước đi mang tính chiến lược, vì tương lai đa dạng hóa nguồn năng lượng của châu Âu.
Châu Âu chia rẽ
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ mét khối khí/năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) trước khi rẽ nhánh. Tổng giá trị đầu tư xây dựng Nord Stream 2 là 9,5 tỷ euro.
Tuy nhiên, không chỉ vấp phải sự chống phá quyết liệt của Mỹ, dự án còn gây chia rẽ trong chính EU. Gần đây, người đứng đầu Quốc hội các nước Litva, Latvia, Ba Lan đã ký tuyên bố chung tại Vilnius gửi tới EU chống lại việc xây dựng Nord Stream 2. Tuyên bố đưa ra cảnh báo về những mối đe dọa mà dự án này mang lại, cáo buộc đây là “công cụ của Nga” để chi phối và làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng của Moscow.
Trong khi đó, các nước Bắc Âu, đi đầu là Đức, đã kiên quyết bảo vệ dự án. Tháng 12/2017, chính quyền của bà Merkel đã thông qua quyết định cấp giấy phép đầu tiên trong tổng đoạn xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở khu vực thềm lục địa Đức. Tiếp theo, cuối tháng 1/2018, Đức tiếp tục cấp giấy phép cho Nord Stream 2 AG được xây dựng đường ống dẫn khí đốt trong vùng lãnh hải của Đức.
Theo quy định của Liên bang Đức, các tuyến đường ống thuộc dự án này phải được chính quyền bốn khu vực và Cơ quan Vận tải đường bộ và đường biển liên bang cấp giấy phép xây dựng, mới được phép triển khai. Tuy nhiên, chính quyền Berlin đã “thần tốc” cấp giấy phép để hoàn tất thủ tục cho Nga, trước khi đưa ra EU.
Ngày 27/3, Nord Stream 2 AG thông báo Đức đã cấp tiếp giấy phép cho công ty được lắp đặt đường ống ở vùng Đặc quyền kinh tế của nước này. Như vậy, bà Merkel đã cấp đủ giấy phép cần thiết để công ty triển khai xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dài 85km trong địa phận của Đức (trước đây đã cấp cho phần đất liền, vùng thềm lục địa và lãnh hải).
Công ty thông báo, thủ tục nhận giấy phép cần thiết ở 3 quốc gia châu Âu còn lại là Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đều đang triển khai đúng tiến độ. Công ty dự kiến sẽ nhận được tất cả giấy phép trước khi bắt đầu kế hoạch xây dựng vào giữa năm 2018, để đưa đường ống vào vận hành năm 2019.
Như vậy, mặc dù tất cả giấy phép đều chưa hoàn tất nhưng với việc đầu tàu châu Âu là Đức quyết tâm bảo vệ dự án này và Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng không phản đối, coi như Mỹ, Anh, Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic không thể làm gì được.
Theo giới phân tích, sở dĩ bà Merkel chống lại đồng minh lớn nhất là Mỹ để bảo vệ dự án với Nga xuất phát từ những lợi ích mà chính quyền Berlin nhận được từ dự án này. Nếu dự án thành công, Đức và cả Bắc Âu, Tây Âu sẽ được bảo đảm về an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội; đồng thời nước này cũng sẽ nhận được những ưu đãi lớn từ Nga.
Ngoài ra, với việc trở thành đầu mối duy nhất của cả 2 tuyến Nord Stream, Đức đã trở thành là một kênh trung chuyển và phân phối năng lượng cực kỳ quan trọng. Và đây là một quân bài để Đức chi phối các nước châu Âu.