“Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam”

Hoa Sơn

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại nhận định này của Ngân hàng Thế giới khi đánh giá về tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2019 tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Mặt trời vẫn đang toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam"

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 17/12/2019 đưa ra nhận định “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019, tuy nhiên, mặt trời vẫn đang toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam”.

Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam được đánh giá đã đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%. Tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019, tăng gấp 4 lần so với bình quân trên thế giới. Nợ công giảm 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dự liên tiếp 4 năm qua.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn FDI cam kết gần 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại…

Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng trong tương lai gần và trung hạn, GDP Việt Nam sẽ quanh mức 6,5%. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo ra được những dư địa tài khoá nhất định thông qua chính sách tài khoá thận trọng.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước được tăng cường; bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mức kế hoạch (3,6%). Tỉ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh, xuống mức 56% và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định (65%).

Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, năm 2019, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỉ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người (dân số hơn 96 triệu người)…

Cùng với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn so với kế hoạch Quốc hội đề ra (dưới 4%). Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước được tăng cường; bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mức kế hoạch (3,6%). Tỉ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh, xuống mức 56% và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định (65%).

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt gần 80 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD (đạt khoảng 517 tỉ USD), trong đó xuất siêu gần 10 tỉ USD, xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2018, trong khi xuất khẩu của nhiều nước sụt giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm.

“Có lẽ chính vì vậy mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

Nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản và có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn các chương trình, kế hoạch cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác…