Máy trợ thở, tạo oxy loạn giá, 'khan hàng' trong dịch COVID-19
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, thị trường máy tạo oxy, máy trợ thở và máy thở đang được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm và loạn giá.
Chỉ cần gõ từ khóa “mua máy trợ thở, máy thở” trên trang tìm kiếm Google, lập tức xuất hiện 35.300.000 kết quả. Dịch vụ mua bán được quảng cáo rất phong phú trên Internet.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tự ý sử dụng máy thở, bình khí oxy có thể gây rủi ro cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc mua, tích trữ tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng
Giá cao ngất ngưởng vẫn cháy hàng
Một tuần nay, khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ, chị Minh Hòa (quận Hoàng Mai) chỉ ra khỏi nhà hai lần khi có nhu cầu mua nhu yếu phẩm, còn lại đều ở nhà để hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây lan dịch COVID-19. Song, sáng ngày 4/8 chị quyết định “chốt đơn” mua một máy tạo oxy y tế 5 lít có giá 26 triệu đồng, máy đo huyết áp 1,1 triệu đồng và 1 hộp kit test nhanh COVID-19 giá 2,5 triệu đồng.
Theo chị Hòa, tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, người trẻ có sức đề kháng tốt thì đỡ lo, nhưng gia đình có người cao tuổi nên chị phải mua sẵn để phòng khi cần dùng tới.
Thế nhưng, để mua được loạt thiết bị y tế này, chị phải hỏi tới 5 - 6 cửa hàng. Nơi nào cũng báo “cháy hàng”. Như máy tạo oxy loại 20 - 30 triệu đồng/máy luôn trong tình trạng cháy hàng hơn một tháng nay, loại cao hơn có sẵn nhưng vượt quá khả năng chi tiêu của chị.
Trong vai khách hàng cần mua máy trợ thở, PV dễ dàng liên hệ được với công ty Đ.N, đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nhân viên của công ty này cho biết, với máy trợ thở có mặt nạ dùng cho người đang tỉnh táo có giá từ 25 - 40 triệu đồng. Loại máy trợ thở có mặt nạ cho người đã đóng thở (hôn mê) có giá từ 40 triệu đồng trở lên (máy cũ), có loại máy mới lên đến hàng trăm triệu. Tuy nhiên, nhân viên công ty này cho biết, khách hàng muốn mua phải đặt cọc và khoảng 2 tuần sau mới có hàng.
Theo nhiều đại lý, dịch bùng phát, nhu cầu ở các nước cũng rất lớn nên chưa thể nhập hàng mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Từ trong Tết đã không thể nhập hàng nên thời điểm này công ty không còn hàng để bán”, một nhân viên công ty Đ.N cho hay.
Khảo sát tại một số sàn thương mại điện tử, các mặt hàng máy tạo oxy, máy trợ thở và máy thở cũng được quảng cáo nhộn nhịp. Chị Hiền Anh (Cầu Giấy) chia sẻ: "Theo dõi các thông tin dịch bệnh, vì quá lo lắng nên tôi đã đặt mua một máy trợ thở có giá 12 triệu đồng trên sàn thương mại điện tử để dự trữ tại nhà. Trước khi đặt mua, tôi cũng đã tìm hiểu thông tin nhà sản xuất. Được đơn vị tư vấn đây là thiết bị cung cấp nguồn khí oxy sạch, tinh khiết cho các bệnh nhân khó thở, tức ngực, bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, suy tim... nên tôi cũng khá an tâm".
Cẩn trọng tích trữ
Trước phong trào tích trữ máy thở, bình khí oxy, máy thở tại nhà, các chuyên giá cho rằng, đây là các thiết bị y tế chuyên dụng nên việc sử dụng cần phải có sự hướng dẫn và giám sát của các nhân viên y tế, nếu sử dụng không đúng cách sẽ khiến bệnh thêm nặng. Chưa kể, những người mắc COVID-19 bị tổn thương phổi thì sử dụng máy thở thông thường cũng không có tác dụng gì.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy.
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra cảnh báo, việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng vì chức năng của máy tạo oxy, máy trợ thở và máy thở cũng khác nhau. Máy tạo oxy được dùng cho bệnh nhân đang gặp vấn đề về đường hô hấp, người vừa phẫu thuật hay đang có thể trạng yếu, người già, phụ nữ mang thai.
Máy trợ thở được dùng cho người có hội chứng ngưng thở khi ngủ, người có vấn đề về phổi, hô hấp, người bị hôn mê. Máy thở dùng cho bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn, bị ảnh hưởng tới phổi, như người mắc bệnh viêm phổi, sống thực vật. Máy trợ thở được kết nối với bộ mặt nạ ôm trùm mặt hỗ trợ bệnh nhân hôn mê. “Với máy thở cần người có chuyên môn, đặt ống thở xuống cuống họng bệnh nhân để kéo dài sự sống”, một nhân viên y tế cho hay.
Với máy tạo oxy, lấy trực tiếp không khí từ môi trường. Qua hệ thống lọc có sẵn, máy tạo oxy có thể loại bỏ các chất độc hại, đem lại nguồn oxy tinh khiết có nồng độ từ 90% cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc vận hành cần có sự giám sát của nhân viên y tế.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch, có những diễn biến khó lường”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.