Mua sắm trong “bão” dịch: An toàn là trên hết
Để đảm bảo an toàn cho người dân khi mua sắm đồ thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội, từ các siêu thị đến chợ truyền thống, đều đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, kênh bán hàng online được tăng cường hết công suất.
Giá hàng hóa ổn định
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có TP. Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại một số trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn như Vinmart, Co.op Mart, AEON, Big C, BRGMart, MM Mega Market…, giá lương thực, thực phẩm ổn định, thậm chí nhiều siêu thị áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, nhằm tránh lây nhiễm, các siêu thị tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân đến mua sắm. Đơn cử như bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào mua sắm, yêu cầu khách hàng quét mã QR khai báo y tế trước khi vào siêu thị, giữ khoảng cách. Tất cả lối ra vào đều đặt các bảng khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5K”. Các siêu thị cũng tăng cường tổng vệ sinh, toàn bộ nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trong quá trình mua bán, tiếp xúc với khách hàng…
Tại các chợ truyền thống cũng đã và đang thực hiện hoạt động kẻ ô, căng dây chắn, hạn chế tiếp xúc giữa khách hàng và người bán, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu. Thậm chí, có địa phương thu hẹp quy mô chỉ còn 30% và hoạt động theo ngày chẵn - lẻ…
Tăng cường kênh bán hàng online
Bên cạnh việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, các siêu thị tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Đơn cử như: Hệ thống siêu thị Big C tăng cường kênh bán hàng trực tuyến qua Ứng dụng GO! & Big C; qua điện thoại Hotline mua hàng, Zalo shop - Grab mart. Hệ thống siêu thị, Minimart thuộc BRGMART tiếp tục phát triển và đẩy mạnh các kênh mua sắm trực tuyến để phục vụ khách hàng như: Đặt hàng qua App BRG Shopping, Hotline, Fanpage… và dịch vụ giao hàng tại nhà áp dụng tại khu vực phía Bắc. VinMart, VinMart+ cũng linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ “Đi chợ hộ”, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, trên website https://vinmart.com...
Các sàn thương mại điện tử cũng không đứng ngoài cuộc, khi ghi nhận lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), trong những ngày qua, sàn thương mại điện tử Sendo đã phối hợp với các nhà vận hành tạo ra các combo rau, quả giao ngay, thịt tươi mỗi ngày áp dụng hình thức giao nhanh tại TP. Hồ Chí Minh. Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau, củ, quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày hay Lazada sản lượng trung bình 5 - 10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Đặc biệt, sàn thương mại điện tử Voso và Postmart có lợi thế về logistics đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhằm tránh lây lan, khuyến khích người dân, hộ kinh doanh mua bán theo hình thức trực tuyến thay vì mua bán trực tiếp.