Mẹo nhỏ giúp cắt giảm lượng đường nạp vào cơ thể
Đường là một gia vị không thể thiếu, giúp các món ăn thức uống ngon miệng hơn, làm cho vị giác của người ăn được thỏa mãn hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, lượng đường nạp vào cơ thể nếu dư thừa sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tác hại khi cơ thể nạp quá nhiều đường
Bạn cần biết rằng, lượng đường dư thừa có thể làm tăng cơ hội phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Trong một nghiên cứu trên 175 quốc gia, các nhà nghiên cứu ước tính rằng cứ tăng 150 calo tiêu thụ đường mỗi người mỗi ngày gắn liền với mức tăng 1,1% trong tỷ lệ dân số mắc bệnh tiểu đường.
Một số bệnh ung thư cũng đã được gắn với lượng đường dư thừa được đưa vào cơ thể. Sự kết nối có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, vì đường có liên quan đến tăng cân, viêm và kháng insulin… tất cả đều làm tăng nguy cơ ung thư.
Lượng đường dư thừa cũng tác động đến sức khỏe của da. Một nghiên cứu ở 2.300 thanh thiếu niên cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ thêm đường có nguy cơ bị mụn trứng cá cao hơn 30%. Và đối với người cao tuổi, quá nhiều đường có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa do tăng sự hình thành các sản phẩm glycation, các protein tạo đàn hồi cho da bị phá hủy.
Thói quen ăn ngọt hàng ngày khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên, tạo ra insulin trong cơ thể và theo thời gian nó sẽ khuyến khích chất béo tích tụ ở bụng. Lớp chất béo nội tạng, những tế bào mỡ nằm sâu trong bụng rất nguy hiểm vì nó tạo ra adipokine và hormone adipose, gây viêm và các bệnh về tim mạch và ung thư.
Quá nhiều đường cũng có liên quan đến sự gia tăng sản xuất axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, một dạng viêm khớp đau đớn đang gia tăng, ngay cả ở những người trẻ tuổi.
Cuối cùng, sự dư thừa của những thứ ngọt ngào chính là thứ gieo mầm bệnh tật trong cơ thể bạn. Nếu bạn đã biết được tính nguy hại của việc ăn nhiều đường thì tìm cách để giảm dần để bảo vệ sức khỏe.
Chủ động cắt giảm lượng đường trong ăn uống
Một trong những cách tốt nhất để cắt giảm là loại bỏ đồ uống có đường, như soda, các loại nước có ga, các loại đồ uống pha chế nhiều đường như các loại trà, nước ngọt và những thứ tương tự.
Khi lựa chọn các loại thực phẩm có đường rõ ràng như kem, kẹo ngọt và các món ăn khác, hãy chọn lọc và ăn “có chiến lược”. Ví dụ nếu thực sự muốn chọn đồ ăn ngọt, bạn hãy biết cách điều chỉnh để tạo sự cân bằng cho cơ thể. Chẳng hạn bạn muốn ăn bánh quy sau bữa ăn thì bữa ăn đó hãy chọn salad rau củ và protein nạc chứ không nên chọn đồ nhiều carb.
Ngoài ra, khi lựa chọn sản phẩm hãy biết cách đọc thành phần. Hãy lưu ý một số thuật ngữ kết thúc bằng -ose, như glucose, fructose, dextrose, và maltose, cũng như xi-rô và lượng gram đường được ghi trên nhãn bao bì.
Bạn nên ăn nhiều đồ tươi và thay thế các loại đồ ngọt nhân tạo bằng đồ ngọt tự nhiên. Ví dụ khi bạn làm sinh tố, thay vì cho nhiều đường bạn hãy chỉ thêm một chút và làm sinh tố với các loại trái cây ngọt. Khi nấu ăn hãy dùng nhiều thực phẩm có vị ngọt tự nhiên để dễ ăn hơn và lưu ý các loại nước sốt ngọt chứa nhiều đường.
Đồ ăn vặt bạn cũng cần hạn chế, thay vì loại bánh kẹo hay bắp rang bơ ngọt thì hãy chọn một nắm hạt như hạt hạnh nhân giàu chất béo lành mạnh và protein, nó sẽ cho bạn nguồn năng lượng ổn định và lành mạnh.
Nếu bạn đã trải qua một lộ trình cắt giảm lượng đường vào cơ thể, chắc chắn bạn sẽ thấy được những dấu hiệu tích cực như làn da trông trẻ trung hơn, năng lương của cơ thể bền vững hơn, ít mỡ bụng hơn, cân nặng ổn định hơn, đặc biệt những nguy cơ về bệnh tiểu đường, bệnh về tim mạch cũng như các loại bệnh liên quan khác sẽ giảm thiểu hơn.