Miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước


Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Đề xuất này không chỉ giúp ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có khả năng cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc, mà còn mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước giúp tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nguồn: Internet.
Miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước giúp tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nguồn: Internet.

Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 9 chỗ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. 

Theo các chuyên gia, chính sách này nếu được áp dụng sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế cũng như ngành ô tô Việt Nam. Các doanh nghiệp thì cho rằng, nếu áp dụng giá tính thuế TTĐB với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước thì chắc chắn các dòng xe lắp ráp sẽ có điều kiện để giảm giá.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mục tiêu đề ra về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 30 - 40% vào năm 2020, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Bên cạnh đó, hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ  tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Do đó, có thể nói, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô của Việt Nam còn thấp hơn so với các quốc gia đi trước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65 – 70%).

Báo cáo cũng nêu rõ, tỷ lệ nội địa hóa thấp, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô phải nhập khẩu từ nước ngoài – phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Điều này là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn từ 10 đến 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Vì vậy, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có năng lực cạnh tranh kém hơn (đặc biệt về giá thành) so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN. Nếu các doanh nghiệp ô tô trong nước không đẩy mạnh tăng nội địa hóa rất khó cạnh tranh với xe nhập khẩu. Chỉ khi nào các mẫu ô tô sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên mới giành được lợi thế.

Trước tình hình đó, việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách thuế TTĐB mới đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Đó là, việc miễn giảm thuế TTĐB cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của ô tô trong nước, từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa; Tạo ra hiệu ứng lan tỏa phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, cũng như hệ thống cung ứng, dịch vụ vệ tinh phục vụ ngành ô tô;  Đồng thời, giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước trong dài hạn...

Thực tế đã chứng minh, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành đóng góp ngân sách thông qua nộp thuế đáng kể nhất. Theo Tổng cục Thuế, góp mặt trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2018, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng đóng góp lớn với số nộp thu nhập doanh nghiệp chiếm 33,37% so với tổng số nộp của V1000 năm 2018.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh đó, theo dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ ô tô hóa trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ bùng nổ. Dự báo đến năm 2030 Việt Nam có từ 466.000 đến 863.000 xe ô tô mới gia nhập thị trường; đến năm 2020 số lượng xe máy cũng sẽ đạt khoảng 36 triệu chiếc.

Khi đó, nếu ngành ô tô trong nước không phát triển, nhà nước khó có thể giải được bài toán cân bằng ngoại tệ đảm bảo cho việc nhập khẩu ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô phục vụ phát triển đất nước trong tương lai.

Việc khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của chính sách cũng sẽ góp phần cho ngành ô tô trong nước phát triển, tận dụng cơ hội xuất khẩu ra các thị trường khu vực và quốc tế để hưởng các ưu đãi thuế quan theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc; Tạo ra hiệu ứng lan tỏa phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, cũng như hệ thống cung ứng, dịch vụ vệ tinh phục vụ ngành ô tô; Tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Thành công của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, sẽ tạo ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng GDP cả nước, hạn chế tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế trong ngành ô tô nhiều năm qua.

Nếu ngành ô tô trong nước không phát triển còn dẫn tới nguy cơ mất cân bằng cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 về chỉ số sản xuất công nghiệp của Bộ Công Thương, tuy Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ, nhưng đạt thấp hơn mục tiêu đề ra tăng 12,7% của Bộ Công Thương và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.