Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng


"Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019" vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng.

 Doanh nghiệp ngày càng hài lòng về cải cách hành chính thuế. Nguồn: internet
Doanh nghiệp ngày càng hài lòng về cải cách hành chính thuế. Nguồn: internet

Theo khảo sát của VCCI, kết quả đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm % so với năm 2014. Trong đó, chỉ số tiếp cận thông tin về thuế tăng 0,23 điểm, sự phục vụ của công chức thuế tăng 1,50 điểm, kết quả giải quyết công việc tăng 0,41 điểm…

Việc thực hiện thủ tục hành chính thuế được doanh nghiệp đánh giá là dễ và tương đối dễ dàng để thực hiện, đánh giá cao nhất là thủ tục nộp thuế (98%), tiếp đến là mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%), khai thuế, khai quyết toán thuế (92%). Về sự hỗ trợ của cơ quan thuế, 86% doanh nghiệp đánh giá cơ quan thuế hỗ trợ hiệu quả và 83% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan thuế là kịp thời.

Trong công tác thanh, kiểm tra thuế, 94% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra, thanh tra thuế đúng với quyết định công bố; 93% doanh nghiệp được giải trình với đoàn kiểm tra, thanh tra thuế về những vấn đề chưa rõ; 90% doanh nghiệp nhận xét thái độ của cán bộ đúng mực trong các lần làm việc; 89% doanh nghiệp cho rằng công tác kiểm tra, thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp và 80% doanh nghiệp nhận định niên độ kiểm tra, thanh tra không trùng lặp.

Đặc biệt, chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế” được doanh nghiệp đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây. Nếu năm 2014 chỉ số này là 5,36 điểm, năm 2016 là 6,36 điểm thì đến năm 2019 tăng lên 7,86 điểm. Trong đó, cả ba khía cạnh đánh giá là kỷ cương và tác phong làm việc của công chức thuế; mức độ hài lòng với công chức thuế tại từng bộ phận chức năng của cơ quan thuế và chi phí ngoài quy định trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đều thu được những phản hồi tích cực.

Kết quả này đã minh chứng cho việc đơn giản hóa chính sách, thủ tục hành chính thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử trong 3 năm (từ 2016-2019) đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngành Tài chính mà tiên phong là cơ quan thuế đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của doanh nghiệp để làm căn cứ thúc đẩy cải cách. Ngành Tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Qua kết quả khảo sát, ông Lộc cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Thuế trong cung cấp thông tin chính sách thuế; Dịch vụ thuế điện tử được triển khai sâu rộng đến doanh nghiệp; Công tác thanh tra kiểm tra; Đặc biệt là sự cải thiện tích cực trong phục vụ của công chức thuế và hiệu quả giải quyết công việc của công chức thuế đạt mức tốt với 8,9 điểm.

Được biết, “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019” là kết quả phân tích dữ liệu thu thập từ 1.727 doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát. Các doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên và phân tầng theo các tiêu chí: Loại hình doanh nghiệp, thời gian thành lập doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động... để đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp.

Khảo sát năm 2019 duy trì những nội dung chính của các khảo sát trước đó nhằm giúp việc đánh giá những nỗ lực cải cách của ngành thuế có tính liên tục, thống nhất, bao gồm: Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính thuế; Việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế từ khâu đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế, khai thuế, khai quyết toán thuế, miễn giảm thuế và hoàn thuế; Thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại; Sự phục vụ của công chức thuế; Kiến nghị cải cách thuế trong thời gian tới.

Đồng thời, khảo sát năm nay đã bổ sung thêm một số nội dung như: Đánh giá mức độ thuận lợi trong việc thực hiện một số nghĩa vụ thuế cụ thể như dịch vụ thuế điện tử, hóa đơn điện tử; Tìm hiểu phản ứng của doanh nghiệp trong trường hợp bị truy thu hoặc xử phạt vi phạm hành chính thuế; Nhận biết của doanh nghiệp về việc ngành thuế áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong công tác thanh, kiểm tra, cũng như việc tự nhận diện của doanh nghiệp về mức độ rủi ro…