Thông tư số 67/2023/TT-BTC:
Minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm
Nhằm tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng ổn định cũng như tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC. Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có những trao đổi với phóng viên về Thông tư này.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang ngày càng được hoàn thiện. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Ông Ngô Việt Trung: Trong năm 2022 - 2023, nhiều hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành. Có thể kể đến như Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.
Gần đây nhất, ngày 2/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.
Đến thời điểm hiện tại, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn thị trường. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm Luật, Nghị định và Thông tư.
Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được đồng bộ, phù hợp với luật khác cũng như quản lý chặt chẽ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Phóng viên: Một số quy định tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC đang được dư luận hết sức quan tâm và ủng hộ. Ông có thể chia sẻ thêm một số điểm nổi bật trong Thông tư này, thưa ông?
Ông Ngô Việt Trung: Thông tư số 67/2023/TT-BTC gồm 7 chương, 62 điều và 13 phụ lục, góp phần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn thị trường.
Cụ thể, Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, đưa ra nhiều nhóm quy định tạo nền tảng cho những hoạt động mới của thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới như: ứng dụng công nghệ thông tin, quy định chi tiết về các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm, đẩy mạnh quản lý giám sát đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm... đặc biệt, có những nội dung quan trọng thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc nâng cao chất lượng của hoạt động đại lý bảo hiểm, hướng đến ưu tiên phát triển về chiều sâu hơn là phát triển về chiều rộng.
Một số quy định được ban hành nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh đại lý, đặc biệt là hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Quy định việc bảo hiểm tại các ngân hàng thương mại phải thực hiện tại một quầy riêng, nhân viên tín dụng không được trực tiếp tư vấn tại quầy làm việc của mình; Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm phải có những tài liệu rút gọn về hợp đồng bảo hiểm, về quy tắc, điều khoản để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về bản chất sản phẩm để đưa ra quyết định tham gia bảo hiểm của mình; hoặc những quy định nhằm hạn chế việc ép khách hàng tham gia bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng như các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh thời gian vừa qua.
Đồng thời, Thông tư số 67/2023/TT-BTC yêu cầu các tổ chức tín dụng, nhân viên ngân hàng phải tư vấn rõ cho khách hàng đây không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và sản phẩm đó không phải là sản phẩm bắt buộc phải mua khi mà gắn kết với sản phẩm của tổ chức tín dụng.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện một số những quy định để giám sát chặt chẽ hơn quá trình tư vấn này. Ví dụ, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm khi tư vấn các sản phẩm có tính chất phức tạp như sản phẩm liên kết đầu tư. Hoặc quy định yêu cầu tổ chức tín dụng phải thành lập một bộ phận riêng chuyên trách để quản lý, giám sát chất lượng đại lý cũng như nhân viên của mình khi bán sản phẩm bảo hiểm...
Với một số sản phẩm đặc biệt có tính chất phức tạp như sản phẩm liên kết đầu tư, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không được bán trước và sau 60 ngày kể từ thời điểm giải ngân toàn bộ khoản vay.
Tôi hi vọng rằng, với giải pháp tổng thể như vậy, cùng với các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ được minh bạch hóa và chất lượng hơn. Tư vấn bảo hiểm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tổ chức tín dụng cũng sẽ được nâng cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Phóng viên: Vậy còn các hình thức xử phạt có gì khác thưa ông?
Ông Ngô Việt Trung: Về hình thức xử phạt, hiện tại, chúng tôi đang đi đến những khâu cuối cùng của việc hoàn thiện dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đây là văn bản sửa đổi nghị định cũ. Chúng tôi sẽ dự thảo theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường những biện pháp xử phạt, kể cả hình phạt bằng tiền, hình phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo nghiêm hơn, đủ tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!