Mô hình phát triển kinh tế Đông Á (K2): Những điểm yếu bộc lộ

Theo GS. Thomas Kalinowski/saigondautu.com.vn

Sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của khu vực Đông Á trên toàn cầu đã khơi lên sự hiếu kỳ, những dự đoán và căng thẳng trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những nhà đầu tư quan tâm đến những cơ hội kinh doanh xem Đông Á là một thị trường rộng lớn, trong khi những người lao động ở phương Tây lại lo ngại về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ở Đông Á vì các doanh nghiệp này trả lương thấp hơn và chấp nhận các tiêu chuẩn lao động thấp hơn. Các chính trị gia châu Âu và Bắc Mỹ lại lo ngại về sự trỗi dậy của những thế lực mới có thể thách thức sự thống trị của phương Tây trong các thể chế quốc tế. Thực chất vấn đề này ra sao?
Xung đột và thống trị?
Trong giới học thuật, các học giả trong lĩnh vực quan hệ quốc tế (QHQT) và kinh tế chính trị quốc tế (KTCTQT) nghiên cứu về sự trỗi dậy của Đông Á trên toàn cầu dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Trên quan điểm chủ nghĩa hiện thực, sự trỗi dậy của Đông Á có liên quan đến sự suy tàn của châu Âu và Hoa Kỳ, mà điều này chắc chắn sẽ gây ra xung đột trên đấu trường quốc tế. Trường phái chính trị hiện thực truyền thống coi trọng quyền lực này đã xuất hiện từ rất lâu, bắt nguồn từ những nhà triết học cổ điển như Hobbes và Machiavelli.
Theo quan điểm này, khái niệm QHQT được xem là “sự trỗi dậy và suy tàn của những thế lực vĩ đại”, và những cuộc xung đột được hiểu là hệ quả “tự nhiên” của cấu trúc phi chính phủ của hệ thống quốc tế.
 Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực, cấu trúc chính trị và kinh tế trong nước chỉ đóng vai trò thứ yếu trong bản chất của QHQT. Theo Mearsheimer, “Nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, quốc gia này chắc chắn sẽ biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh vũ trang và dùng mọi cách để thống trị Đông Bắc Á.
Việc Trung Quốc là một nền dân chủ có quan hệ mật thiết với nền kinh tế toàn cầu, hay là một quốc gia chuyên quyền theo chính sách tự cung tự cấp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hành vi quốc gia này, vì những quốc gia dân chủ hay những quốc gia chuyên quyền đều quan tâm đến an ninh như nhau, và việc theo đuổi bá quyền là cách tốt nhất để mọi quốc gia đảm bảo sự tồn vinh của mình. Số phận của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được định đoạt sẽ trở thành đối thủ của nhau khi Trung Quốc mạnh lên”.
Theo học thuyết ổn định bá quyền mang tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực, hệ thống quốc tế sẽ trở nên bất ổn khi đế quốc bá quyền chịu trách nhiệm mang lại sự ổn định cho hệ thống bị mất đi vị thế thống trị của mình. Do vậy, những người theo chủ nghĩa hiện thực xem cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào năm 2008 và những mất cân bằng dai dẳng của nền kinh tế toàn cầu là những dấu hiệu cho sự tái lập trật tự thế giới, khi những quốc gia thặng dư thương mại ở Đông Á trỗi dậy và những nước thâm hụt thương mại như Hoa Kỳ suy tàn.
Những tác phẩm như China versus the West nhấn mạnh mối quan hệ đối kháng giữa thế lực đang thống trị và thế lực đang trỗi dậy. Những xung đột kinh tế giữa các bên, thí dụ như trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, được xem là những “cuộc chiến tranh tiền tệ”.
Trái lại, giả thuyết về QHQT theo chủ nghĩa tự do lại nhấn mạnh vai trò của những thể chế quốc tế tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Đông Á - đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo quan điểm này, sự xuất hiện của các thể chế quốc tế là hệ quả của sự lệ thuộc về kinh tế ngày càng tăng nhằm tạo ra các cơ chế thúc đẩy hợp tác. Quan điểm này bắt nguồn từ khái niệm hòa bình vĩnh cửu của Immanuel Kant, và được Angell phát triển trong tác phẩm của ông về “nền hòa bình tự do” với quan điểm cho rằng sự lệ thuộc về kinh tế sẽ làm suy giảm động cơ gây chiến tranh. Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do, sự trỗi dậy của Đông Á và sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu không phải là hệ quả của mưu đồ giành vị thế thống trị của các quốc gia Đông Á mà là minh chứng cho “mối lo ngại trong giai đoạn quá độ” được hình thành do xu hướng không thể tránh khỏi, là tiến tới một thế giới đa cực.
Mối quan hệ cộng sinh
Thế giới đa cực này không nhất thiết phải bất ổn mà có thể do khối G20, G7, hay theo ý kiến của một số cá nhân là do Trung Quốc phối hợp với Hoa Kỳ cùng quản lý. Bergsten cho rằng “chỉ có cách tiếp cận “G-2” như vậy mới có thể đem lại sự công bằng, và được công nhận là đem lại sự công bằng, đối với vai trò mới của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, và do đó đóng vai trò như một kiến trúc sư chính và người duy trì trật tự kinh tế thế giới”.
Các quốc gia Đông Á được mô tả là được lãnh đạo bởi một nhà nước tương đối tự trị đang điều phối thị trường, đã đưa ra khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển bằng cách nhấn mạnh “sự độc lập nội tại” của nhà nước trong các mạng lưới chính phủ - doanh nghiệp mạnh mẽ. Những mạng lưới này không được kết hợp với những mạng lưới chính phủ - lao động hay giữa doanh nghiệp - lao động, vì thế mà khác xa với những nền kinh tế thị trường tự do Anh - Hoa Kỳ bởi nó chứa đựng yếu điểm của một cơ chế thị trường khuyết danh. Đồng thời, các mô hình Đông Á khác với các nền kinh tế với thị trường được điều phối của châu Âu, bởi nó không bao gồm tổ chức lao động từ quá trình phối hợp nghiệp đoàn.
Hình ảnh thứ hai trong KTCTQT xem những bất cân bằng kinh tế toàn cầu là kết quả của sự tương tác trên tầm quốc tế giữa các mô hình tăng trưởng nội địa ở Đông Á với những mô hình phát triển nội địa có tính tương thích ở châu Mỹ và châu Âu. Những mô hình khác biệt này phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế, làm ảnh hưởng đến sự phụ thuộc trong định hướng của các mô hình quốc nội.
Thí dụ, mô hình tăng trưởng Đông Á dựa vào xuất khẩu, năng lực cạnh tranh quốc gia, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, và một nhận dạng như “công xưởng của thế giới”, có một mối quan hệ gần như cộng sinh với sự tiêu thụ của Hoa Kỳ. Do sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế này nên những thay đổi trong nền kinh tế chính trị nội địa của một quốc gia cũng phụ thuộc vào những thay đổi trong nhà nước chính trị của những quốc gia khác. 
Ngay từ những năm 1980, sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu ngày càng tăng lên, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Đông Á. Trong khi Hoa Kỳ đang liên tục chịu thâm hụt, các nước trong khu vực Đông Á (và một số nước châu Âu) lại đang có thặng dư tài khoản vãng lai. Qua vài thập niên, sự mất cân bằng này đã tạo ra các vấn đề kinh tế và xung đột chính trị quốc tế. Hoa Kỳ đã phản ứng với sự trỗi dậy của Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong giai đoạn dẫn đến cuộc khủng hoảng 2008, các nước thặng dư Đông Á đã sử dụng dự trữ đô la của họ để mua trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ. Khoản đầu tư này giữ lãi suất tại Hoa Kỳ ở mức thấp và thúc đẩy tiêu dùng được tài trợ bằng nợ và bong bóng bất động sản. Trong mối quan hệ cộng sinh này, các nước Đông Á tài trợ thặng dư của mình bằng cách cho Hoa Kỳ vay để tài trợ cho thâm hụt kép của mình: thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách nhà nước.
Hoa Kỳ (và các nước thâm hụt khác) cho rằng chính định hướng xuất khẩu của Đông Á và sản xuất dư thừa dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nước thặng dư lại nêu bật vai trò kép của quy chế tài chính yếu kém và tiêu dùng quá mức ở các nước thâm hụt là nguyên nhân gốc rễ của sự sụp đổ. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ về việc nước này thường xuyên nhận được sự lên án về hành vi “thao túng tiền tệ”. 

Mặt trái định hướng xuất khẩu
Giữa thế lưỡng nan này, các nước Đông Á làm thế nào để phản ứng với yêu cầu kích thích nền kinh tế nội địa thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, làm giảm mất cân bằng toàn cầu và tránh bị chỉ trích “thao túng” tiền tệ? Nhìn chung, các nước Đông Á đã ủng hộ các biện pháp chống khủng hoảng do khối G20 xây dựng và đặc biệt là các chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, các chính sách tài khóa và tiền tệ đã được thực hiện không giúp đạt được các mục tiêu của khối G20 và ít ảnh hưởng đến những mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Không giống như các chính phủ ở châu Âu và Hoa Kỳ vốn tập trung vào việc kích thích tiêu dùng bằng cách thực hiện các biện pháp như giảm thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội, kích thích tiêu dùng thông qua các biện pháp trợ cấp như “lấy xe cũ đổi tiền mặt”, các nước Đông Á lại tập trung vào việc cải thiện khả năng cạnh tranh của họ trong tương lai. 
Các nước Đông Á đã tạo ra các gói kích thích tài khóa lớn nhằm phát huy tăng trưởng thông qua các chính sách công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như xây dựng đường giao thông, sân bay, kênh mương, đập nước và đường sắt tốc độ cao. Những "gói kích thích tài chính định hướng cung” có tác động ngắn hạn trong việc hạn chế thặng dư tài khoản vãng lai vì những gói kích thích này đòi hỏi nhập khẩu các thiết bị xây dựng và vận tải, nhưng chúng có tiềm năng ảnh hưởng tích cực đến khả năng cạnh tranh quốc tế trong thời gian dài và cuối cùng sẽ dẫn đến thặng dư cao hơn.
Các gói kích thích tài khóa ở Đông Á có quy mô lớn nhưng đóng một vai trò không đáng kể trong việc thay đổi cán cân tài khoản vãng lai; trong tương lai, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu và phát triển (R&D) có khả năng sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh - và thặng dư tài khoản vãng lai - của các nước Đông Á.
...Bề ngoài, các khiếm khuyết nội địa trong nền kinh tế chính trị Đông Á được xem như là sự mất cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, bên dưới những mất cân bằng về mặt thống kê, động năng của các mô hình phát triển Đông Á là nguyên nhân cơ bản của thặng dư thương mại mang tính cơ cấu. Chủ nghĩa tư bản Đông Á thường được đánh đồng với một mô hình phát triển định hướng xuất khẩu.
Do vậy, thặng dư tài khoản vãng lai dường như là hệ quả tự nhiên của mô hình tăng trưởng như vậy. Chiến lược định hướng xuất khẩu của Đông Á đã dẫn đến sự gia tăng dự trữ ngoại tệ, theo đó tiếp tục cản trở sự tái cân bằng, bởi khi giá của đồng nội tệ tăng lên sẽ làm giảm dự trữ ngoại hối. Đây là một bài toán rất khó trong việc cân bằng thương mại giữa các quốc gia liên thuộc vào nhau.

Các thành viên khối G20 ở Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế toàn cầu. Sự trỗi dậy của những quốc gia này trong nền chính trị toàn cầu thường xuyên được thảo luận với những quan điểm trái chiều, trong đó giả định của “thuyết hiện thực” về xung đột không thể tránh khỏi giữa những thế lực đang trỗi dậy và những thế lực đang suy yếu được đưa ra để tranh luận với giả định của “thuyết tự do” về sự hội nhập ngày càng sâu rộng của khu vực này vào các thể chế quốc tế. Bài viết này là một lý giải khác về vai trò trong nền chính trị toàn cầu của các nước Đông Á thông qua việc chuyển trọng tâm tranh luận vào thực chất nội lực của mô hình phát triển các nước Đông Á.