Cần mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Tại Hội thảo Triển vọng kinh tế 2018 mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cho rằng, đã đến lúc cần mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, trước tiên phải xuất phát từ điều hành vĩ mô, hoàn thiện hành lang pháp lý để cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước hiệu quả. Việc phát triển thị trường chứng khoán để giảm tải cho hệ thống ngân hàng, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tích cực khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ…cũng rất cần thiết.
Nhận diện thách thức
Theo TS. Trần Anh Tuấn, với đà tăng trưởng kinh tế (GDP) ngày càng mạnh, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn có thể đạt được.
Tăng trưởng kinh tế cải thiện rõ nét. GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016.
Tất nhiên vẫn còn ý kiến e ngại khu vực nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai vừa qua ở miền Trung nhưng dự báo tất cả các yếu tố này chỉ ảnh hưởng tới GDP từ 0,1 đến 0,2%. “Lạm phát năm 2018 tới đây cũng sẽ ở mức thấp”, ông Tuấn nhận định.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Đó là huy động vốn qua trái phiếu khá thành công nhưng lượng vốn đưa vào thực tế vẫn ứ đọng (dự kiến cả 2017 chỉ giải ngân được 30%) trong khi nguồn vốn này thực chất là vốn vay, tức vẫn phải trả lãi và gốc định kỳ.
Đáng e ngại, nhiều dự án đang thiếu vốn nhưng việc điều chuyển vốn qua lại giữa các dự án là rất khó khăn vì phải tuân theo rất nhiều quy định nghiêm ngặt của Luật Ngân sách (muốn triển khai dự án trên 10 nghìn tỷ đồng thì phải thông qua Quốc hội) từ đó dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả, nợ công tăng lên.
Đối với ngành ngân hàng, ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietABank cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 21% là rất khó với nhiều ngân hàng. Thống kê gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đối với toàn nền kinh tế đến hết tháng 10 mới tăng được 13,5% so với cuối năm ngoái.
Còn huy động vốn tăng chậm hơn, mới 12%. Cũng theo ông Linh, trước mắt thì đa số ngân hàng sẽ có lãi trong năm nay, đến năm 2018 vẫn có cơ hội cho ngành ngân hàng, nhưng song hành với đó là rất nhiều thách thức do nhu cầu vốn tăng lên cả trong và ngoài nước khi kinh tế toàn cầu hồi phục.
Còn thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ nên phần “gánh vác” tài trợ vốn cho nền kinh tế vẫn còn nhỏ bé. Hệ thống ngân hàng vì vậy sẽ khó khăn hơn để có đủ nguồn vốn đáp ứng đủ nhu cầu cho cả nền kinh tế, và vừa phải đáp ứng đủ các chỉ số về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, “mặt bằng lãi suất sẽ nhích lên”, ông Phạm Linh nhận định.
Các DN tại lĩnh vực bất động sản có lẽ là dự báo được thách thức này từ rất sớm. Không khó để thấy nhiều công ty bất động sản lớn hiện đang cắt giảm nguồn vốn vay từ ngân hàng mà chủ yếu tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính từ các đối tác.Ông Linh cũng dự báo năm tới VND sẽ “mất giá” từ 3% - 5%”, vì tỷ giá VND so với USD sẽ chịu nhiều sức ép do biến động do đồng bạc xanh có xu hướng tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.
Cần mô hình tăng trưởng mới
Theo TS. Trần Anh Tuấn, đã đến lúc cần mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, trước tiên phải xuất phát từ điều hành vĩ mô, hoàn thiện hành lang pháp lý để cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước hiệu quả. Phát triển thị trường chứng khoán để giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tích cực khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ…
TS. Trần Anh Tuấn còn nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, làm sao để có các tập đoàn tư nhân đủ mạnh, là cánh chim đầu đàn để cùng tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các DN vừa và nhỏ trong cả nền kinh tế. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính để gánh nặng chi phí cho DN nói chung giảm đi.
Còn ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam mới đây cũng bày tỏ quan điểm trong một hội thảo rằng, Việt Nam không thể tiếp tục thực hiện mô hình tăng trưởng như hiện nay, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Cần xây dựng một mô hình tăng trưởng mới, tập trung đặc biệt vào vấn đề chất lượng.
Lĩnh vực có tính cạnh tranh năng động và hiệu quả, có giá trị gia tăng công nghệ cao hơn phải là các cấu thành trong mô hình phát triển kinh tế mới…. “Nền kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những thách thức xuất phát từ những chuyển đổi trong khía cạnh kỹ thuật trên toàn cầu và vai trò ngày càng tăng của tự động hóa.
Về khía cạnh này, cần tiến hành những hoạt động cần thiết nhằm nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động và hạ tầng công nghệ. Như vậy, Việt Nam mới có thể nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần khẩn trương thực hiện cải cách nhằm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế trong các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, hiệu quả và có giá trị gia tăng cao hơn để tạo ra việc làm tốt, nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình, cải cách thể chế trong lĩnh vực hành chính công, đầu tư công và cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới các doanh nghiệp nhà nước để giải quyết những tồn tại trong nền kinh tế”, ông Kamal Malhotra bày tỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian sắp tới, Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý theo đó trao cho khu vực tư nhân vai trò lớn hơn nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả. Nhà nước cần tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập, cung cấp các khuôn khổ pháp lý và giám sát hiệu quả, trong đó nhấn mạnh hơn tới tính minh bạch. Các biện pháp này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.