Mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở có khả thi?
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy Chính phủ đều có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp và người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp. Tại Hàn Quốc có cơ chế khuyến khích người dân đóng góp cho quỹ tiết kiệm nhà ở. Đây là một mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu nhà ở rất lớn. Đến năm 2020, một triệu nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để đạt được điều này, cần rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và cả người dân.
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao nên câu chuyện giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp được Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, với một quốc gia có 96 triệu dân, 37,5% tốc độ đô thị hóa, làm sao để có quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Đây là câu hỏi luôn làm các nhà quản lý "đau đáu".
Người thu nhập thấp có nhà ở
Thời gian qua, tốc độ phát triển nhà ở diễn ra rất nhanh, nhưng nhà ở thương mại là chủ yếu. Đến năm 2009, Chính phủ mới có một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.
Sau gần 10 năm, Việt Nam mới có 86 dự án nhà ở xã hội được xây dựng và đang tiếp tục triển khai 134 dự án. Quỹ nhà được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã giải quyết được 200 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Có 100 dự án nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp và có 72 dự án đang triển khai.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai nhà ở xã hội. Đó là nguồn cung về quỹ đất rất khó khăn; Vốn từ ngân sách để đầu tư chưa đáp ứng được; Nhu cầu là một triệu căn hộ nhưng mới đáp ứng được 30%… Hơn nữa, nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia do quy định về lợi nhuận thấp.
Liên quan đến những khó khăn, thách thức về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch HĐQT MIK Group chia sẻ nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ là rất lớn, "vậy đâu là tiêu chí để có nhà ở giá rẻ hợp với túi tiền?", ông Trân đặt vấn đề.
Ông Trân nêu một số vấn đề như: Vị trí nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ sẽ ở đâu; làm thế nào để mua được nhà ở xã hội khi nguồn vốn hỗ trợ cho người mua nhà với lãi suất phù hợp khi gói 30.000 tỷ đồng đã hết hiệu lực.
"Chúng ta cần một cơ chế để tất cả các bên khi tham gia vào thị trường này đều có lợi. Đơn cử như nhà ở cần gắn kết chặt chẽ với câu chuyện phát triển các cơ sở giáo dục", ông Trân nói.
Ông Ninh tiết lộ, hiện nay Việt Nam đang cùng chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu chính sách nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. "Nhưng câu hỏi là làm sao để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, giảm sự phụ thuộc vào Chính phủ, đây là một bài toán khó", ông Ninh nhận xét.
Quỹ tiết kiệm nhà ở
Về kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Noh Jae Keuk, chuyên gia về nhà ở xã hội, công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc, chia sẻ nước này có quỹ nhà ở và quỹ này được ngân sách từ Chính phủ hỗ trợ. Ngoài ra, một phần quỹ cũng xuất phát từ sự tiết kiệm của người dân. Mỗi tháng, người dân đóng góp một khoản tích cóp cho quỹ nhà ở, có thể là 100 USD hoặc nhiều hơn là 500 USD. Cũng có một số người thu nhập rất thấp, không thể đóng góp.
"Chúng tôi có cơ chế khuyến khích người dân tiết kiệm cho quỹ nhà ở. Như ở khu vực Seoul, quỹ nhà ở sẽ thông báo rộng rãi về chỉ tiêu và minh bạch để người dân an tâm tiết kiệm trong quỹ nhà ở đó", ông Noh Jae Keuk nói.
Đối với người thu nhập rất thấp, Hàn Quốc cung ứng nhà ở dưới dạng nhà cho thuê trong 10 năm, sau 10 năm có thể bán cho người dân dưới dạng nhà ở xã hội. Đáng lưu ý, Hàn Quốc chia ra 10 nhóm thu nhập, đầu tiên là thu nhập thấp và trên cùng là nhóm nhà giàu. Mỗi nhóm sẽ được hưởng một chính sách khác nhau.
Tại Hoa Kỳ, ông Vinh Nguyễn, Đại diện của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ (NAR) tại Campuchia, chia sẻ ở quốc gia này, người thu nhập thấp cũng có nhu cầu rất cao về nhà ở. Tuy nhiên, nước Mỹ chỉ có thể cung ứng cho 25% những người đủ tiêu chuẩn để ở nhà ở xã hội. Do vậy, cần nỗ lực rất lớn để có thể có nhà ở vừa túi tiền của họ.
Liên quan đến câu chuyện nhà ở giá rẻ, ông Vichai, Trung tâm thông tin Bất động sản, Ngân hàng Nhà ở của Chính phủ Thái Lan, cho hay quốc gia này mong muốn có nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp chưa đến 1 triệu bath Thái là mức rất thấp.
Chính phủ cũng đã có sự can thiệp với các công ty phát triển nhà ở để các đơn vị này có thể bán với mức giá thấp cho người có thu nhập thấp mua được.
Về nguồn vốn, Thái Lan đưa ra mức lãi suất rất thấp, giữ ở mức 3 – 4%/năm trong suốt ba năm đầu tiên. Mỗi tháng, người dân chỉ phải trả 1.500 – 2.000 bath.
Chính phủ Thái Lan cũng có những ưu đãi cho các doanh nghiệp xây dựng, thậm chí doanh nghiệp xây dựng tư nhân cũng được hưởng ưu đãi để phát triển các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
"Hiện tại, Thái Lan vẫn còn 900.000 đơn vị nhà ở phải xây dựng trong những năm tới. Hy vọng năm 2018, Thái Lan có 100.000 đơn vị nhà ở sẵn có để bán cho người có thu nhập thấp", ông ViChai kỳ vọng.