Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về dự luật TPA:

Mở ra cánh cửa cho TPP

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Trong một bước đi được nhìn nhận là “mở ra cánh cửa” cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thúc đẩy, các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đã thỏa hiệp về dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại (TPA), hay còn gọi là trao đặc quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống. Bước đi này tránh một thất bại lớn cho nước Mỹ trong đàm phán TPP.

Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về dự luật TPA. Nguồn: internet
Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về dự luật TPA. Nguồn: internet

Sau 24 giờ thương lượng căng thẳng, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đạt được một thỏa hiệp theo đó đồng ý tiếp tục thúc đẩy dự luật TPA. Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đồng ý với đề nghị của các đồng nghiệp đảng Dân chủ đưa thêm một điều khoản về chương trình trợ cấp cho những người lao động có thể bị mất việc làm do TPP. Đổi lại, nhóm các nghị sĩ chống TPP thuộc đảng Dân chủ đồng ý tiến hành các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ đối với hai dự luật mà trước đó họ muốn gộp vào một gói với TPA, bao gồm một dự luật về hải quan mà trong đó bao gồm vấn đề về thao túng tiền tệ và một dự luật về việc gia hạn Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9 tới. Hai dự luật riêng rẽ này dự kiến sẽ được bỏ phiếu trong tuần này, và dự luật về TPA dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận chính thức trong tuần tới.

Nhà Trắng bày tỏ lạc quan về khả năng TPA nhận đủ số phiếu ủng hộ theo quy định 60/100 Thượng nghị sĩ. Được biết 10 trong số 14 Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ chống TPA mà Tổng thống Obama tiếp xúc trước đó một ngày đã bày tỏ ủng hộ việc Quốc hội trao cho Tổng thống quyền đàm phán nhanh.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã hứng chịu thất bại khi trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, dự luật TPA chỉ nhận được 52 phiếu ủng hộ, chưa đủ con số 60/100 phiếu cần thiết để đưa ra thảo luận chính thức. Phần lớn các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ trong khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ, dưới áp lực của các tổ chức công đoàn, đã bỏ phiếu chống. Do đó, việc các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa hiệp trên được xem là “một bước đột phá” giúp dự luật TPA được đưa ra bỏ phiếu chính thức trước toàn bộ Thượng viện.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh để có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của Hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong Hiệp định TPP. Giới phân tích đánh giá giành quyền TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời cuộc chiến này bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp. Trên thực tế, phần lớn những người ủng hộ trao TPA cho Tổng thống là các nghị sĩ Cộng hòa, còn những người phản đối lại thuộc Dân chủ vì họ muốn đưa thêm điều khoản ngăn chặn việc thao túng tiền tệ và một số điều khoản khác vào Hiệp định.

Chính quyền Obama trong nhiều tuần qua ráo riết vận động Quốc hội thông qua TPA nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP giữa Mỹ với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương khác. Hoàn tất đàm phán, ký kết TPP là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ chống lại vì muốn đưa thêm điều khoản ngăn chặn việc thao túng tiền tệ và một số điều khoản khác vào Hiệp định.

Theo giới phân tích, sự thỏa hiệp này là cần thiết khi đặt trong tương quan mối liên hệ giữa TPA và TPP. Quyền đàm phán nhanh bị treo tại Thượng viện sẽ trì hoãn tiến trình TPP và đây được miêu tả là “thất bại nhỏ của Tổng thống Barack Obama” nhưng là “thất bại lớn” của nước Mỹ. Chính giới Washington đang đối mặt với mâu thuẫn nội bộ và cho thấy thiếu một tầm nhìn chiến lược. Lợi ích mất đi là rất rõ. Khi nhìn toàn cảnh, TPP rất quan trọng với Mỹ và 11 quốc gia đã tham gia thảo luận hơn 20 vòng đàm phán và sắp sửa kết thúc. Thế nhưng, nội bộ nước Mỹ lại cãi nhau vì những lý do cục bộ, khiến dư luận quốc tế thấy nước Mỹ không đủ năng lực lãnh đạo được nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề lớn. Đây là thất bại lớn và các ông nghị tại Đồi Capito không thể để tình trạng này kéo dài đối với nước Mỹ.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước đang nỗ lực hướng tới ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.