Quốc hội Mỹ có thể sắp trao quyền đàm phán TPP cho tổng thống

Theo thoibaokinhtesaigon.vn

(Tài chính) Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội Mỹ hôm qua đã đồng ý một dự luật trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama thẩm quyền đặc biệt để hoàn tất cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một trong những hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Các nghị sĩ của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ thảo luận về dự luật trao quyền đàm phán TPP cho Tổng thống Obama hôm qua. Nguồn: internet
Các nghị sĩ của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ thảo luận về dự luật trao quyền đàm phán TPP cho Tổng thống Obama hôm qua. Nguồn: internet

Dự luật được chuẩn bị bởi các Thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch (Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, đảng Cộng hòa); Ron Wyden (thành viên cao cấp Ủy ban Tài chính Thượng viện, đảng Dân chủ); dân biểu Paul Ryan (Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, đảng Cộng hòa). Dự kiến dự luật sẽ được đưa các ủy ban này thảo luận và biểu quyết trong tuần tới.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật sẽ trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh (fast-track), còn gọi là quyền xúc tiến thương mại, viết tắt theo tiếng Anh là TPA (trade promotion authority). Với thẩm quyền này, chính phủ Mỹ có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác để hoàn tất văn bản của hiệp định. Khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.

Giới phân tích đánh giá cuộc đấu tranh giành quyền TPA là cuộc chiến cam go nhất của Tổng thống Obama trong suốt 19 tháng qua, đồng thời bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp. Cho đến nay, phần lớn những người ủng hộ trao quyền TPA cho tổng thống là các chính trị gia Cộng hòa, còn những người phản đối lại thuộc đảng Dân chủ. Để thông qua dự luật TPA trong tuần tới, ông Obama còn phải thuyết phục được một số nghị sĩ quan trọng cùng đảng Dân chủ với ông.

Hiệp định TPP được đánh giá là hiệp định tự do thương mại lớn nhất mà Mỹ tham gia, từ sau hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà cựu Tổng thống Bill Clinton xúc tiến năm 1994, vượt qua sự phản đối của đảng Dân chủ và giới công đoàn.

Theo các nhà phân tích, hiệp định TPP sẽ mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thâm nhập mạnh vào thị trường 11 quốc gia thành viên cchâu Á-Thái Bình Dương; từ đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ; được hưởng lợi nhiều nhất là ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin, dược phẩm, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo và công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, âm nhạc, phần mềm…).

Tuy nhiên những người phản đối TPP cũng có những lập luận vững chắc khi cho rằng TPP sẽ khiến số người thất nghiệp của Mỹ tăng cao, tiền lương giảm sút, gây nguy hại cho môi trường và vi phạm quyền con người.

Để thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ, ông Ron Wyden đã đề nghị bổ sung vào văn bản hiệp định các mục tiêu về nhân quyền – vốn chưa từng được đề cập trong các hiệp định thương mại. Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer, bang New York – chính trị gia xếp thứ ba về ảnh hưởng trong đảng Dân chủ - thì yêu cầu đưa vào dự luật điều khoản chống lại sự thao túng giá trị đồng tiền, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Theo thông lệ, sau khi hoàn tất đàm phán, văn bản cuối cùng của hiệp định sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng trong vòng 60 ngày trước khi Tổng thống Obama ký duyệt. Sau đó, Quốc hội Mỹ có tối đa 4 tháng để xem xét phê chuẩn hiệp định. Nếu văn bản cuối cùng của hiệp định – do Đại diện Thương mại Mỹ chủ trì đàm phán với các đối tác - không đáp ứng các điều kiện mà Quốc hội Mỹ đề ra – về lao động, môi trường và quyền con người – thì đa số phiếu của Thượng viện (60/100 phiếu) có thể hủy bỏ thẩm quyền TPA của Tổng thống và hiệp định sẽ bị Quốc hội Mỹ sửa chữa, điều chỉnh trước khi phê chuẩn; ngược lại Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn hiệp định mà không sửa chữa, theo thẩm quyền TPA của Tổng thống, cũng với số phiếu thuận tối thiểu là 60/100 phiếu Thượng viện.

Cả hai ủy ban tài chính và ngân sách của Thượng và Hạ viện Mỹ đang gấp rút hoàn chỉnh nội dung của dự luật TPA trước khi nó bị “giết chết” bởi làn sóng chống đối TPP đang dâng cao tại Mỹ.