Mở rộng bảo hiểm, hoá giải rủi ro nông nghiệp

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Bảo hiểm nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc để tạo nền tảng thu hút nhà đầu tư sản xuất lớn, tạo giá trị gia tăng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó thu hút NĐT tham gia để hình thành nền sản xuất lớn, chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chưa phát huy được vai trò hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã thực hiện nhiều chính sách thí điểm. Vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp với chủ đề “Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 21/12.

Nhận diện thách thức

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, song hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân rất cần một cơ chế bảo đảm cho thành quả của mình, và BHNN chính là cơ chế hiệu quả nhất. Đặc biệt theo ông Phòng, BHNN được coi là bệ đỡ vững chắc để tạo nền tảng đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đóng góp lớn và bền vững hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù các lợi ích này đã được nhận diện từ lâu và đưa vào chính sách để thực hiện từ năm 2011, song tới nay BHNN Việt Nam vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế.

Gắn bó với nông nghiệp suốt 10 năm qua và nhận thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng, nhưng bà Hoàng Thị Tính, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đánh giá đây là lĩnh vực rất khó triển khai và rủi ro cho các DN bảo hiểm.

Bà Tính dẫn chứng, năm 2011 Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm BHNN theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg và đạt được một số kết quả bước đầu như vận động được hơn 300.000 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi, với doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai thí điểm, mô hình triển khai thí điểm khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi vì nhiều nguyên nhân.

Trước hết, theo bà Tính đó là do mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cao, ước tính 1,5%-2% GDP, đòi hỏi DN bảo hiểm phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia bảo hiểm để đảm bảo không bị lỗ trong kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay phổ biến là quy mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.

Nguyên nhân chủ quan là các DN bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm về BHNN, đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro định phí bảo hiểm và giám định tổn thất... Thiếu cơ chế khuyến khích tham gia vào chương trình BHNN của khối ngân hàng, trong khi đây là chủ thể thực hiện các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Mặc dù là lĩnh vực còn kém phát triển và tồn tại nhiều rủi ro, song theo ông Tăng Minh Lộc, thực tế trong quá trình thí điểm BHNN cũng đã có một số mô hình đạt thành công nhất định. Vì vậy ông đề xuất cần tiếp tục mở rộng bảo hiểm với sản phẩm đã thành công như cây lúa, chăn nuôi; đồng thời tiếp tục thí điểm với sản phẩm chủ lực khác như tôm, cá basa… Về đối tượng mua bảo hiểm, theo ông Lộc nên hướng tập trung vào hộ, trang trại, DN sản xuất hàng hóa, trong đó khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

Về phía Nhà nước, cần hoàn chỉnh chính sách BHNN theo hướng hỗ trợ một phần tiền bảo hiểm, chủ yếu với đối tượng nghèo, hộ thường, chủ trang trại mua lần đầu; hỗ trợ DN bảo hiểm khi gặp rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong BHNN.

Ông Lê Xuân Luyện, Vụ Quản lý DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tổng số thu qua thực hiện thí điểm BHNN chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng mà chi hơn 700 tỷ đồng, đã cho thấy đây là lĩnh vực rất rủi ro và khó thu hút DN. Vì vậy theo vị này, cần có hành lang pháp lý để thu hút cả người tham gia và người bán bảo hiểm. Ngoài các DN như Bảo Việt, Bảo Minh cần có thêm các cơ quan bảo hiểm thí điểm cho một số DN khác.

Bà Hoàng Thị Tính cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm mục đích huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy BHNN. Bà Tính kiến nghị, để tạo điều kiện cho DN bảo hiểm tham gia BHNN, chính sách không giới hạn số lượng DN tham gia bằng cách không tạo ra các rào cản kỹ thuật; không giới hạn điều kiện phải có chi nhánh tại các tỉnh dự kiến làm BHNN… Ngoài việc hỗ trợ cho người mua BHNN về phí bảo hiểm, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các DN bảo hiểm như giảm thuế thu nhập DN; giảm trích lập quỹ dự phòng cho các DN bảo hiểm khi kết quả kinh doanh BHNN bị lỗ.

Về phía các địa phương, cần cung cấp cho các DN bảo hiểm cơ sở dữ liệu về tổn thất để các nhà tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn, quy tắc điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp đặc thù của từng địa phương. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần tham gia giám sát quá trình hợp tác, thực hiện chương BHNN của các DN bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, phi kỹ thuật.y