Doanh thu phí bảo hiểm ước đạt trên 105 nghìn tỷ đồng
Năm 2017, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm trước, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 38.270 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Thông tin trên được bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tại Hội nghị tổng kết công tác bảo hiểm năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, diễn ra ngày 22/12/2017 tại Hà Nội.
Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ổn định
Năm 2017, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc… Tuy nhiên, với nỗ lực của cơ quan quản lý và của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, cơ chế chính sách được hoàn thiện, các DNBH cơ bản đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Văn Trường |
Theo đó, năng lực tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được nâng cao, đóng góp của DNBH vào nền kinh tế ngày càng nhiều. Cụ thể, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm năm 2017 ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm ngoái; Các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm ngoái; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 190.930 tỷ đồng, tăng 24,61% so với năm ngoái. Năm 2017, các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92% so với năm 2016.
Hoàn thiện văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho DN phát triển
Trong năm 2017, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức tập huấn Thông tư này cho các DNBH, DN môi giới bảo hiểm, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đối với các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi dự kiến trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét trong năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Trường |
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DN kinh doanh bảo hiểm… Việc tham gia và hoàn thiện thể chế đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho DNBH phát triển.
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường, phát triển sản phẩm cũng được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh triển khai trong năm 2017. Theo đó, Cục đã thẩm định trình Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho 01 DNBH (Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm GINET).
Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang thẩm định 3 hồ sơ cấp phép hoạt động cho 3 DN (Công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty cổ phần môi giới Bảo hiểm Bảo An, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Việt Nam). Đồng thời, tạo điều kiện cho DNBH phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Cục đã thúc đẩy DNBH tham gia mua trái phiếu chính phủ dài hạn, năm 2017, các DNBH nhân thọ đã đấu thầu thành công 15.040 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm; hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm; hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 15 năm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra DNBH
Đặc biệt, trong năm 2017, Cục đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đã kiểm tra chuyên đề 5 DNBH nhân thọ, 3 DNBH phi nhân thọ, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các DNBH có sai phạm, kiến nghị xử lý về tài chính.
Để thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2018, nhiều giải pháp đã được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đưa ra, trong đó tập trung vào các công tác: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm; phòng, chống rửa tiền…
Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2018, công tác giám sát từ xa, thanh tra và kiểm tra tại chỗ tiếp tục được triển khai để kịp thời phát hiện những sai phạm của các DNBH, từ đó báo cáo Bộ Tài chính có phương án giải quyết.
Cụ thể, về công tác kiểm tra, năm 2018, Cục sẽ thực hiện kiểm tra 5 DNBH nhân thọ (Công ty Prudential Việt Nam, Bảo hiểm nhân thọ Chubb, Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-i-chi, Công ty bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam, Tập đoàn FWD) tập trung vào chất lượng dịch vụ khách hàng, trích lập dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, khả năng thanh toán. Đồng thời, thực hiện kiểm tra chuyên đề tại 4 DNBH phi nhân thọ (Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không, Công ty cổ phần bảo hiểm Phú Hưng, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Xuân Thành và Bảo hiểm nhân thọ Chubb).
Tổ chức thanh tra đối với 6 DNBH, trong đó thanh tra toàn diện 2 DNBH phi nhân thọ (Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam; Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam); thanh tra chuyên đề đối với 4 DNBH, trong đó có 2 DNBH phi nhân thọ (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); 2 DNBH nhân thọ (Công ty TNHH Manulife Việt Nam; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam). Triển khai xây dựng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đánh giá cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong năm 2017 trong việc xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Về kế hoạch đề ra năm 2018, Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý, Cục cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các DNBH để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các DNBH có sai phạm, góp phần làm cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, Cục cần tập trung triển khai Dự án công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo hiểm, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm, từ đó có cơ sở dữ liệu chung về kinh doanh bảo hiểm phục vụ cho công tác quản lý được tốt hơn.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm hiện có 63 DN kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm và 14 DN môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.